Trong tuần qua, những thông tin về việc Cục CSGT (C08, Bộ Công an) đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn ở một số tỉnh, thành trong cả nước đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Theo đó, các tổ công tác của C08 đã phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản, xử lý 2.890 trường hợp vi phạm.
Việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Sau khi phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan.
Một số bạn đọc cho rằng việc xử nghiêm vi phạm giao thông người dân vô cùng ủng hộ và mong lực lượng CSGT thực hiện xuyên suốt để giảm các vụ tai nạn giao thông.
Cán bộ, công chức hoặc viên chức vi phạm nồng độ cồn thì ngoài việc bị xử phạt hành chính còn chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật
Bạn đọc Trần Hải bình luận: “Nếu đã vi phạm thì tất cả mọi người đều phải chịu mức phạt như nhau. Lâu nay, khi xử lý vi phạm giao thông đôi khi vẫn có tình trạng nể nang nhau đối với người vi phạm có chức vụ trong cơ quan nhà nước. Cũng chính điều này khiến người dân cảm thấy không công bằng và vô tình đẩy lực lượng CSGT rơi vào thế khó khi xử lý. Việc xử lý vi phạm giao thông và nhất là vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm như thời gian gần đây chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ. Bởi đã là cán bộ làm việc tại cơ quan nhà nước thì phải làm gương, phải chấp hành nghiêm pháp luật”.
“Tôi đề nghị nếu cán bộ, công chức nhà nước nào vi phạm nồng độ cồn hoặc các vi phạm khác thì phải xem xét, xử nghiêm để làm gương cho người dân. Nếu cứ vi phạm rồi cho qua thì sẽ thành tiền lệ xấu và việc thực thi pháp luật sẽ không được bảo đảm” - bạn đọc Nguyễn Thành ý kiến.
Bạn đọc Mai Ngọc nêu: “Giờ đi ra đường, ngồi tại các hàng quán chúng ta đều dễ dàng thấy được dòng chữ “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Câu này đã trở thành khẩu hiệu và ai cũng biết. Thế nên những người vi phạm nồng độ cồn là họ cố tình làm trái và những trường hợp này cần phải được xử nghiêm. Cũng chính vì chuyện uống rượu bia rồi lái xe mà đã xảy ra biết bao vụ tai nạn giao thông, khiến không ít gia đình phải rơi vào cảnh mất mát, thương tâm. Vì thế việc CSGT xử nghiêm như thế là rất cần thiết, người dân rất hoan nghênh”.
Nhiều trường hợp cán bộ bị xử lý
Mới đây, các tổ công tác của Cục CSGT đã phối hợp với công an một số địa phương như Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh để trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn. Tổ công tác trong quá trình kiểm soát, phát hiện, xử lý 199 trường hợp (54 ô tô, 144 mô tô, 1 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Đáng chú ý, trong các trường hợp vi phạm có nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức… PV
Cán bộ, công chức vi phạm sẽ báo về cơ quan
Một số bạn đọc thắc mắc trường hợp cán bộ, công chức nhà nước vi phạm hành chính, vi phạm giao thông thì việc thông báo về cơ quan làm việc sẽ được quy định như thế nào?
Tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 10 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đối với cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Một số bạn đọc thắc mắc chưa rõ hậu quả pháp lý của việc thông báo này.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
“Như vậy, đối với người dân thì cơ quan chức năng gửi thông tin xử phạt cho người vi phạm. Tuy nhiên, đối với cá nhân là cán bộ, công chức hoặc viên chức thì ngoài việc bị xử phạt hành chính còn chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, việc cơ quan ban hành quyết định xử phạt hành chính gửi thông tin tới cơ quan chủ quản của cán bộ, công chức, viên chức được coi là quan hệ nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau chứ không phải là trình tự thủ tục trong quá trình giải quyết xử lý vi phạm hành chính” - luật sư Hoan thông tin.•