Xử nghiêm vụ nước nhiễm dầu thải ở Hà Nội

Chiều 15-10, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giao ban báo chí về vụ việc người dân phải dùng nước nhiễm dầu nhiều ngày qua. Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định trách nhiệm thuộc về đơn vị cung ứng nước. Đơn vị cung ứng nước lại cho rằng mình là nạn nhân và đề nghị cơ quan chức năng truy trách nhiệm của người đổ trộm dầu thải.

Nước nhiễm dầu từ đâu?

Tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục đã chính thức khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước nhiễm dầu thải của Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) để ăn uống. Ông Dục cho hay đơn vị cung ứng nước sạch cho hàng trăm ngàn hộ dân phía tây Hà Nội là Viwasupco đã thiếu trách nhiệm khi biết có dầu chảy vào hồ Đầm Bài gây ô nhiễm nguồn nước nhưng vẫn sử dụng để sản xuất nước cung ứng cho dân. “Một số cán bộ của Công ty Viwasupco phát hiện từ sáng 8-10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội” - ông Dục nói.

Cũng theo ông Dục, cán bộ của Viwasupco cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước, chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Ông Dục cho hay sau khi nhận được phản ánh của người dân, từ ngày 11 đến 14-10, tổ công tác của TP đã kiểm tra việc vận hành lọc nước của Viwasupco. Qua kiểm tra cho thấy hệ thống của nhà máy nước vẫn hoạt động bình thường. Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/lít) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Từ kết quả xác minh, giám định xác định mùi khét có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận trên là do chất styren có từ dầu thải gây ra. “TP khuyến cáo người dân sử dụng nước thuộc vùng cung ứng của Viwasupco thì chỉ dùng để tắm giặt, không dùng nấu ăn, uống. TP đã bố trí các xe tec nước miễn phí, số điện thoại đường dây nóng 0903.461.980 để cung ứng nước sạch kịp thời cho người dân” - ông Dục nói.

Không trả lời vào các câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt cho khu vực Hà Nội, giám đốc Sở Xây dựng thông tin TP đã yêu cầu các đơn vị cung ứng nước sạch phải súc, xả đường ống, bể chứa cấp nước cho người dân. Chi phí súc, xả do các đơn vị cung ứng nước sạch chịu trách nhiệm. Liên quan đến trách nhiệm bồi thường cho người dân vì sử dụng nước sạch nhiễm dầu thải suốt một tuần qua, ông Dục cho biết sẽ xem xét sau khi cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.

Ở những khu vực nước sinh hoạt có mùi lạ, người dân phải xin nước về dùng cho an tâm. Ảnh: THẾ HIỆP

Tổng giám đốc Viwasupco: Chúng tôi cũng là nạn nhân

Tại cuộc giao ban báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco, vẫn tiếp tục khẳng định chất lượng nước của công ty này tốt. Theo ông Tốn, sau khi phát hiện sự việc, ngày 10-10, đơn vị có báo cáo đến Công an tỉnh Hòa Bình vì doanh nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh này. “Tại sao công ty không báo cáo cơ quan chức năng Hà Nội? Nếu báo cáo thì báo cáo cái gì, vì chất lượng nước của công ty vẫn đảm bảo” - ông Tốn nói.

Theo ông Tốn, ngày 9-10, đội vớt rong rêu của Viwasupco phát hiện váng dầu tràn vào lúc 9 giờ sáng. Thời điểm đó công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và người dân quây để dầu không lan ra ngoài hồ. Sau đó dùng thiết bị chuyên dụng hút dầu, tránh ô nhiễm nguồn nước. Ngày 10-10, lực lượng chức năng của Hòa Bình mới lập biên bản sự việc sau khi công ty báo cáo.

Tối 15-10, Văn phòng Chính phủ cho hay Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong vụ này.  thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng UBND các tỉnh thành kiểm tra ngay tình hình hoạt động các nhà máy nước sạch trên toàn quốc, báo cáo Thủ tướng trước 25-10. 

Nói về việc vì sao không dừng cấp nước cho người dân khi phát hiện có váng dầu thải tràn vào hồ Đầm Bài, ông Tốn cho rằng thâm tâm ông muốn dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và nhận được phản biện nếu tạm dừng sản xuất thì phải có lý do, trong khi đó theo nội kiểm nước vẫn đảm bảo. Ông Tốn cho rằng đơn vị của ông cũng là nạn nhân, công ty cũng đã đề nghị cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình vào cuộc xác minh, truy tìm thủ phạm.

Ngoài ra, ông Tốn đã thay mặt công ty nhận lỗi vì không thông báo sự việc đến khách hàng kịp thời. “Sau sự việc, công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu phát hiện đơn vị nào sai thì sẽ xử lý. Bản thân tôi cũng là người đi làm thuê, nếu dừng cấp nước thì quá an toàn và quá hay. Tôi vì cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, chứ không vì cái gì khác” - ông Tốn nói. Đặc biệt, ông Tốn cũng “không dám chắc” về việc dây chuyền sản xuất của Viwasupco có xử lý được triệt để nguồn nước nhiễm dầu thải hay không.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội với cử tri Hà Nội sáng 15-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin về việc nước sạch của Công ty Viwasupco cấp cho hàng trăm ngàn hộ dân Hà Nội có mùi lạ.

Ông Chung cho hay từ ngày 10-10, sau khi nhận được tin nhắn phản ánh của người dân, TP đã chỉ đạo các sở, ngành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn thu nước sông Đà và quá trình truyền tải nước. “Có thể nói ô nhiễm do người dân đổ dầu phế thải xuống con suối đầu nguồn, từ đó dầu chảy ra hồ Đầm Bài. Nhà máy không kiểm soát tốt nên dầu đã chảy vào hệ thống lọc nước” - ông Chung nhấn mạnh.

Tại đây, ông Chung cũng cung cấp số liệu kết quả xét nghiệm mẫu nước của Viwasupco xác định chất gây ra mùi bất thường đó có tỉ lệ cao hơn từ 1,3 đến 3,6 lần bình thường. “Quan điểm của Hà Nội là phải xử lý nghiêm. TP sẽ có công văn gửi Hòa Bình đề nghị cơ quan này điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco vì sao phát hiện nước nhiễm dầu từ ngày 8-10 nhưng không báo cáo ngay, cũng không có hành động gì để ngăn chặn và cứ để dầu trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước sạch” - ông Chung nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm