An toàn nhìn từ sự cố nước nhiễm dầu thải ở Hà Nội

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15-10, nguyên nhân của việc nguồn nước tại một số khu vực ở Hà Nội có mùi lạ, rất khét là do khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.

Chất thải dầu này chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà. Đồng thời, ông Dục cho hay đơn vị cung ứng nước sạch cho hàng trăm ngàn hộ dân phía tây Hà Nội là Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) có hành vi thiếu trách nhiệm khi biết có dầu chảy vào hồ Đầm Bài gây ô nhiễm nguồn nước nhưng vẫn sử dụng để sản xuất nước cung ứng cho dân.

Từ sự cố trên, PLO xin giới thiệu ý kiến của ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam về giải pháp ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Vì sao phải phòng ngừa

Phòng ngừa có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trong việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, mà còn giúp xử lý nhanh, khoanh vùng, hạn chế hậu quả khi sự cố xảy ra. Hình dung như sau, tốc độ dòng chảy của dòng sông 0,5-1 m/giây thì một giờ sau khi xảy ra sự cố, chất độc có thể lan tỏa rộng, xuống hạ lưu hơn 3 km. Hoạt động ứng phó nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo tinh thần chủ động, phòng ngừa thì sẽ không thể khoanh vùng kịp được.

Lực lượng ứng cứu đến nơi thì chất độc hại đã lan rất xa. Ngay cả chất ô nhiễm là dầu thì không chỉ nổi trên mặt nước, mà còn có phần hòa lẫn vào dòng chảy, có phần bám dính vào các cấu trúc mà nó gặp phải trên đường lan tỏa, có phần bám vào các hạt rắn, nặng chìm xuống đáy sông... Khi đó có quây phao ứng cứu cũng không còn hiệu quả nhiều nữa.

Với trường hợp Nhà máy lọc nước Viwasupco lấy nguồn nước mặt sông Đà, nằm sau hồ thủy điện Hòa Bình, qua thông tin báo chí phản ánh thì có vẻ như đã không hề có giải pháp phòng ngừa cần thiết.

Có thể đây là tình huống đặc biệt, do ai đó do vô trách nhiệm mà xả mấy tấn dầu thải ở đâu đó trên cao, rồi tràn xuống suối, dẫn tới hồ lấy nước thô của nhà máy. Nhưng ngay cả như vậy thì việc xây dựng phương án phòng ngừa với các trang thiết bị tại chỗ vẫn là vô cùng cần thiết. Bởi ta đâu thể loại trừ một tình huống ngẫu nhiên nào đó, chẳng hạn sự cố đường thủy trên sông Đà, phía trước hồ thu nước, dẫn tới tràn dầu, hoặc hàng hóa trên tàu là hóa chất độc hại bị hòa vào dòng chảy, vào cổ hút nhà máy. Đó là chưa kể phải tính tới tình huống khủng bố, cố tình đưa chất độc vào nguồn nước thô với mục đích đầu độc hoặc gây hoang mang cho hàng vạn hộ dân ở Tây Hà Nội vẫn mặc nhiên coi nước máy là an toàn, có thể sử dụng trực tiếp cho nấu ăn, sinh hoạt.

Như sự việc cụ thể này, thông tin đến nay là điểm trút đổ dầu phế thải nằm phía trên một dòng suối, cách kênh dẫn nước thô nhà máy 800 m. Khoảng cách ấy thì dầu không còn nổi hết trên nước nữa mà một phần đã khuếch tán, lẫn, chìm trong nước. Do vậy, biện pháp xử lý chỉ là chặn, vớt váng dầu, thì không tránh khỏi một phần dầu đã lọt vào trong hệ thống lọc nước, chảy tới các hộ dân ở Hà Nội cách đó hơn 40 km…

Vậy làm thế nào để phòng ngừa?

Đầu tiên là cần thiết lập hệ thống quan trắc tất cả nguồn nước có thể đổ về kênh dẫn nước thô vào Nhà máy nước Viwasupco. Cần thiết lập một vành đai cấm hoạt động sản xuất. Cũng cần thiết lập hệ thống quan trắc tới các khâu cơ bản của quá trình lọc nước, bao gồm cả trên hệ thống ống dẫn từ Hòa Bình về Hà Nội, vốn đã bị vỡ hơn 20 lần kể từ khi đưa vào vận hành đến nay. Hàng vạn hộ dân đang sử dụng nguồn nước đó, và nếu xảy ra sơ suất, sự cố hay phá hoại nào có sử dụng hóa chất thì đó không chỉ còn là vấn đề sức khỏe mà đã trở thành an ninh của thủ đô.

Chỉ vậy thôi chưa đủ. Với kinh nghiệm xử lý các sự cố tràn dầu trên khắp cả nước, tôi cho rằng Viwasupco nên lắp đặt hệ thống phao, vải lọc, quây cố định 24/7, có khả năng ngăn dầu và các hóa chất có tính chất như dầu. Như vậy sẽ chủ động xử lý được tình huống sự cố xuất hiện trên nguồn nước của mình, không chỉ với phần vật chất nổi, mà cả dạng nhũ tương lửng lơ dưới mặt hồ nước thô.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý. Quan trọng hơn là tự sự việc này, cần điều tra, rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm soát an toàn của Viwasupco, để xem quy trình ấy đúng chưa, cần bổ sung, điều chỉnh gì? Quy trình ấy được vận hành thế nào trong những ngày qua? Và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của Hòa Bình, Hà Nội có trách nhiệm thế nào trong giám sát việc Viwasupco tuân thủ quy trình ấy?

Chỉ có như vậy mới giải tỏa nỗi băn khoăn, lo lắng của người dân khi trao gửi an toàn, sức khỏe, tính mạng của mình cho những dịch vụ cơ bản như nước sinh hoạt, vốn được kỳ vọng là được chính quyền quản lý chặt chẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm