Xử phạt 520 tỉ đồng về vi phạm PCCC

(PLO)- Năm năm qua lực lượng PCCC đã xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp vì vi phạm PCCC

Sáng 12-9, Thủ tướng chủ trì hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết năm năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Theo báo cáo của Bộ Công an, 5 năm qua (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỉ đồng và trên 7.500 ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỉ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy). Trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy - Ảnh: VGP

Lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Lực lượng cũng phát hiện trên 1,1 triệu tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp. Qua kiểm tra đã hướng dẫn khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần loại trừ nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ sự cố, tai nạn.

Trong 5 năm qua, Bộ Công an tiến hành nghiên cứu được 108 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đáng chú ý, Bộ Công an đang phối hợp với nhà máy Z113 nghiên cứu máy bay không người lái phục vụ chữa cháy đám cháy nhà siêu cao tầng; nghiên cứu chế tạo xe thang 32 mét phục vụ chữa cháy…

Vẫn theo báo cáo, ngoài những mặt tích cực, công tác PCCC còn một số hạn chế, thiếu sót.

Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương còn những hạn chế nhất định, ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về công tác PCCC.

Cùng với đó, công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập. Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức.

Công tác đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. Việc đầu tư ngân sách hoạt động PCCC mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, Bộ Công an đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC phải xác định quan điểm lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống; lấy phòng là"cơ bản, chiến lược, lâu dài"; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận phòng cháy chữa cháy.

Đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.

Các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới