Xử tranh chấp, tòa đang gây khó trọng tài?

Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng tòa hủy phán quyết trọng tài với những căn cứ không hoặc chưa xác đáng đang làm vô hiệu hóa phương thức giải quyết tranh chấp bằng dạng này.

Thống kê sơ bộ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, từ năm 2006 đến 2011, chỉ có khoảng ba quyết định của trọng tài bị tòa án tuyên hủy. Còn khi Luật Trọng tài thương mại chính thức có hiệu lực (ngày 1-1-2011) đến nay đã có bốn quyết định của trọng tài bị hủy. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý, có những vụ hủy không thuyết phục…

Hai tòa mâu thuẫn

Tháng 4-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy một quyết định trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Tòa cho rằng yêu cầu hủy quyết định của Công ty TNHH Hoàng Sơn là có cơ sở bởi hợp đồng giữa Hoàng Sơn và đối tác chỉ đề cập khi phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết bởi trọng tài Việt Nam mà không chỉ ra cụ thể là tổ chức trọng tài nào tại Việt Nam. Thỏa thuận trọng tài này là vô hiệu theo Điều 10 của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

Xử tranh chấp, tòa đang gây khó trọng tài? ảnh 1

Theo hồ sơ, tháng 6-2010, Hoàng Sơn nộp đơn đến TAND TP.HCM yêu cầu hủy quyết định trọng tài nói trên. Theo công ty, thỏa thuận trọng tài là vô hiệu vì hợp đồng giữa công ty với đối tác không xác định cụ thể là tổ chức trọng tài nào sẽ giải quyết nếu có tranh chấp. Đồng thời, trọng tài có những biểu hiện không khách quan khi giải quyết vụ tranh chấp giữa hai công ty. Về mặt nội dung, trọng tài chỉ giải quyết hai trong ba vấn đề mà công ty đặt ra là không thỏa đáng…

Trước đó, xử sơ thẩm hồi tháng 9-2010, TAND TP.HCM nhận định khi phát sinh tranh chấp, hai bên thỏa thuận giải quyết bởi trọng tài. Công ty Hoàng Sơn đã nộp đơn đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đối tác của Hoàng Sơn cũng đồng ý thì đã đúng thỏa thuận và thẩm quyền. Khi xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài, tòa không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà chỉ kiểm tra các giấy tờ theo quy định. Việc Hoàng Sơn cho là trọng tài chỉ giải quyết hai trong ba yêu cầu của công ty không thuộc căn cứ để xử hủy quyết định trọng tài. Từ đó, tòa tuyên bác yêu cầu của Hoàng Sơn.

Hiểu luật không thống nhất

Gần đây một quyết định trọng tài bị hủy với lý do việc áp dụng luật trọng tài không đúng. Điều này đã gây tranh cãi.

Điều 81 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định đối với các thỏa thuận trọng tài ký trước ngày luật có hiệu lực thì áp dụng pháp luật tại thời điểm ký thỏa thuận trọng tài. Giải quyết vụ việc liên quan, phía trọng tài đã áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, tòa đã tuyên hủy quyết định này với lý do phải áp dụng Luật Trọng tài thương mại vì quyết định của trọng tài được đưa ra tại thời điểm Luật Trọng tài thương mại 2010 đã có hiệu lực.

Hay có quyết định của trọng tài bị hủy vì một số lý do không đáng. Cụ thể, Hội đồng Trọng tài gửi thông báo mời các bên đến dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Mặc dù thông báo này nêu rõ thời gian và địa điểm tổ chức phiên họp, được gửi hợp lệ đến các bên tranh chấp nhưng tòa lại tuyên hủy với lý do thông báo của Hội đồng Trọng tài không ghi chữ “triệu tập”, chỉ ghi là “mời” nên các bên có thể đến hoặc không đến.

Có vụ Hội đồng Trọng tài không triệu tập người liên quan vì quá trình tố tụng trọng tài chỉ ràng buộc đối với các bên ký thỏa thuận trọng tài, không có khái niệm người liên quan như trong tố tụng tòa án. Tuy nhiên, quyết định của trọng tài trong vụ việc này đã bị tòa hủy bởi Hội đồng Trọng tài đã không triệu tập người liên quan.

Vô hiệu hóa phán quyết trọng tài?Nhiều chuyên gia lo ngại, tình trạng tòa hủy phán quyết trọng tài với những căn cứ không hoặc chưa xác đáng đang làm vô hiệu hóa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Đồng thời nó làm giảm uy tín của loại tài phán này với các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều luật sư cho biết trừ khi phán quyết trọng tài có sai lầm trong việc áp dụng luật nội dung hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đến mức có thể làm sai lệch bản chất vụ việc thì tòa án mới nên hủy phán quyết đó. Tòa án không nên soi quá kỹ về thủ tục chi ly để hủy phán quyết trọng tài. Bởi ưu điểm của trọng tài là tính linh hoạt cả về thủ tục tố tụng lẫn lựa chọn luật áp dụng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) phân tích điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định phán quyết trọng tài bị hủy nếu thành phần của Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại. Từ đó, thỏa thuận trọng tài của các bên sẽ dễ dàng bị tòa hủy nếu có sự vi phạm. Thiết nghĩ, đây là một trong những nội dung mà pháp luật nên trao quyền chủ động thỏa thuận giữa các bên, miễn sao thỏa thuận trọng tài không vi phạm những điều cấm của pháp luật. Hơn thế nữa, tình trạng nhiều thỏa thuận trọng tài hiện nay bị tòa hủy đều xuất phát từ việc các bên không nắm rõ quy định nói trên của Luật Trọng tài thương mại. Chính vì vậy, Luật Trọng tài thương mại nên được chỉnh sửa theo hướng trao quyền chủ động thỏa thuận cho các bên nhiều hơn và giảm bớt sự can thiệp của tòa vào phán quyết của trọng tài như hiện nay.

Tòa án sẽ xem xét việc hủy phán quyết trọng tài trong những trường hợp sau:

a) Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

b) Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này;

c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì nội dung đó bị hủy;

d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

(Trích Luật Trọng tài thương mại 2010)

Tây Ban Nha có Luật Trọng tài năm 2003, được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Trong luật này có nhiều quy định về thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động của trọng tài như chỉ định hay thay đổi trọng tài viên, trợ giúp trọng tài trong việc thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… Tòa án Tây Ban Nha can thiệp đối với hoạt động trọng tài diễn ra tại Tây Ban Nha.

● Còn theo Luật Trọng tài của Áo, tòa có thẩm quyền chỉ định hay thay đổi trọng tài viên, trợ giúp trọng tài, giải quyết hủy phán quyết trọng tài… và phạm vi áp dụng luật này là đối với trọng tài quốc nội hay quốc tế có địa điểm tại Áo.

Pháp mới sửa đổi pháp luật trọng tài vào năm 2011. Theo đó, tòa có thẩm quyền trong bốn trường hợp sau: Khi nơi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là Pháp; khi các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật tố tụng trọng tài của Pháp; khi các bên thỏa thuận tòa án Pháp có thẩm quyền đối với bất đồng trong quá trình tố tụng; khi có khả năng không có tòa án nước nào thừa nhận thẩm quyền. Tòa án Pháp có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được tuyên tại Pháp.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm