Các bị cáo trong vụ án này gồm Lê Thị Thảo (SN 1972, quê Thanh Hóa, nguyên là tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP Tập đoàn Miền Núi) và Đỗ Thị Thục (SN 1977, quê Tuyên Quang) bị truy tố về tội buôn lậu và đưa hối lộ.
Bị cáo Chu Văn Hiền (SN 1988, quê Khánh Hòa) và Trịnh Khắc Thuyên (SN 1972, quê Thái Bình) bị truy tố về tội buôn lậu. Bị cáo Nguyễn Đức Tiến (SN 1979) và Đào Xuân Thắng (SN 1991, cùng quê Hải Phòng) bị truy tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bị cáo Hoàng Tiết Kiệm (SN 1966, cựu phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh hòa) và Lê Quý (SN 1969, cựu phó trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Cam Ranh, Đồn biên phòng cửa khẩu Nha Trang) bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày.
Theo cáo trạng, với vai trò là TGĐ Công ty CP Tập đoàn Miền Núi, Thảo không bàn bạc, thông qua ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo, phân công Thục (trợ lý TGĐ) chắp nối với các đối tượng liên quan để thực hiện thành công việc mua 4.768.929 lít xăng A92 của ông Eng (quốc tịch Singapore) không có hóa đơn, chứng từ.
Thảo giữ vai trò chính trong vụ án, là người tổ chức, chỉ đạo và quyết định việc mua lô xăng này.
Để thực hiện việc mua và vận chuyển lô hàng từ biển vào cảng, nhập vào kho thuận lợi, Thảo làm quen và trực tiếp nhờ đại tá Hoàng Tiết Kiệm tạo điều kiện cho tàu Sunrise 689 chở lô hàng trên được cập cảng, nhập hàng vào kho Ba Ngòi thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 3.
Thảo đưa cho Kiệm 320 triệu đồng và chỉ đạo Thục đưa 10 triệu đồng cho Lê Quý, phó trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Cam Ranh.
Đối với bị cáo Thục, khi được Hiền giới thiệu, môi giới về lô hàng, bị cáo biết rõ lô xăng A92 chưa qua nhập khẩu nhưng vẫn tham mưu cho Thảo mua. Thục cũng là người trực tiếp thực hiện việc liên hệ, giao dịch với bên bán và một số người liên quan để trả tiền hàng, giao nhận lô hàng ở ngoài đường biên giới quốc gia trên biển và trở vào cảng Cam Ranh.
Đối với bị cáo Chu Văn Hiền, Hiền là nhân viên thuộc Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong. Hiền quen Thảo và Thục thông qua mối quan hệ của Nguyễn Đình Duy, giám đốc Chi nhánh Công ty CP Miền Núi tại Khánh Hòa.
Đầu tháng 7-2017, biết Thảo và Thục có nhu cầu tìm kiếm khách hàng mua bán xăng dầu, Hiền giới thiệu Thục làm quen với ông Eng là người kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Blossom.
Ngày 16-7, Thảo, Thục và Hiền sang Singapore gặp ông Eng để tìm hiểu về thị trường và kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu của Công ty Success Blossom, Hiền phiên dịch giữa các bên.
Cuối tháng 7-2017, Hiện gọi điện thoại hỏi Thục có mua xăng dầu chưa nhập khẩu của công ty ông Eng đang gửi tại kho xăng dầu Vân Phong không? Thục về nói với Thảo, mua loại hàng này sẽ có lợi nhuận cao nên Thảo đồng ý và đề nghị gặp đối tác để trao đổi làm việc.
Như vậy, mặc dù biết rõ lô hàng xăng Ron 92 gần 5.000 m3 của ông Eng gửi ở công ty chưa được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng Hiền vẫn môi giới cho Thục và Thảo mua. Quá trình hai bên giao dịch, Hiền là người phiên dịch và trực tiếp nhận thông tin trao đổi thông qua nhóm liên lạc Whasapp.
Đối với Trịnh Khắc Thuyên, bị cáo là nhân viên kỹ thuật tàu thuyền của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Thuyên biết rõ lô hàng trên là lô hàng buôn lậu nhưng vẫn giúp Thảo, Thục với việc cung cấp vị trí, tọa độ trên biển, ngoài biên giới để hai tàu Sunrise 689 và Flora giao nhận hàng. Thuyên sử dụng phần mềm hệ thống theo dõi giám sát tàu thủy, thông báo cho Thục biết để hưởng số tiền 1,35 tỉ đồng.
Đối với bị can Nguyễn Đức Tiến, Tiến được Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng giao nhiệm vụ là thuyền trưởng tàu Sunrise 689. Ngày 22-8-2017, Tiến chỉ huy tàu đi vận chuyển lô hàng xăng Ron 92 cho Công ty CP Tập đoàn Miền Núi tại Thanh Hóa.
Đến địa điểm nhận hàng ở ngoài biên giới quốc gia trên biển, Tiến thấy lô hàng xăng Ron 92 gần 5.000 m3 từ tàu Flora chuyển sang không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn chỉ huy vận chuyển vào cảng Cam Ranh ngày 30-8.
Đối với Đào Xuân Thắng, bị cáo không có tên trong danh sách thuyền viên trên tàu Sunrise 689 nhưng vẫn tham gia vào hành trình tàu ra vào biên giới Việt Nam trên biển để nhận và vận chuyển xăng A92 không có hóa đơn, chứng từ…
Đối với Hoàng Tiết Kiệm, bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giúp cho tàu Sunrise 689 vào cảng, nhập hàng vào kho, sau đó trực tiếp điện thoại để Quý tạo điều kiện giải quyết cho tàu Sunrise 689 được vào cảng trả hàng. Kiệm đã nhận từ Thảo tổng số tiền 320 triệu đồng.
Đối với Lê Quý, ngày 30-8, bị cáo nhận hồ sơ của tàu Sunrise 689 từ đại lý Vosa cung cấp, thấy chưa đủ và đúng thủ tục theo quy định nhưng Quý vẫn giải quyết cho tàu cập cảng trả hàng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục...