Ngày 8-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử 67 bị cáo về 10 tội danh trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) và các đơn vị có liên quan.
Sử dụng 17 công ty “ma” chuyên xuất hóa đơn khống
Bị cáo Lưu Thị Ngát bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng nêu rằng bị cáo này sử dụng 17 công ty “ma” để xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống cho Thủ Đức House và Công ty Sài Gòn Tây Nam xuất khẩu và hoàn thuế (GTGT) trái pháp luật, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt 372 tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Cụ thể, 164 hóa đơn GTGT được xuất khống cho Công ty An Lành Phát với tổng giá trị hàng hóa là 2.471 tỉ đồng (có khoảng 224 tỉ đồng tiền thuế GTGT) để rồi công ty này xuất hóa đơn cho các công ty khác, điểm đến cuối cùng là xuất cho Thủ Đức House. Từ nguồn hóa đơn đầu vào này, Thủ Đức House đã xuất khẩu hàng hóa, sau đó lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để lập thủ tục và được Cục Thuế TP.HCM hoàn thuế 225,8 tỉ đồng.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Tương tự, các hồ sơ hoàn thuế của Công ty Sài Gòn Tây Nam cũng có nguồn gốc từ 121 hóa đơn GTGT mà Ngát đã xuất khống với tổng giá trị 1.611 tỉ đồng cho các công ty trung gian. Để rồi từ đó Công ty Sài Gòn Tây Nam đã sử dụng các hóa đơn GTGT này để được hoàn thuế 146 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Ngát khai rằng sau khi xuất khống các hóa đơn, Ngát được nhận 28 tỉ đồng. Số tiền này được Ngát chi cho ba cán bộ thuế (quận 1, quận 3 và quận 5) khoảng 7 tỉ đồng; đóng khoảng 2,4 tỉ đồng tiền thuế; chi cho Trần Hoàn Tiên 2,4 tỉ đồng (Tiên là người giúp Dũng quản lý và điều hành các hoạt động); chi cho Đặng Ngọc Phú (không rõ lai lịch).
Bị cáo Ngát đề nghị xem xét lại số tiền hưởng lợi vì cáo trạng cáo buộc bị cáo được hưởng lợi 19,5 tỉ đồng nhưng thực tế số tiền bị cáo còn giữ cho mình chỉ 569 triệu đồng.
Xuất khẩu khống, hưởng lợi bất chính 24 tỉ đồng
Theo cáo trạng, Công ty Sài Gòn Tây Nam thực hiện ký kết các hợp đồng mua bán linh kiện điện tử với các công ty do Dũng điều hành ở trong và ngoài nước để hưởng lợi 2%/tổng giá trị hàng hóa (sau đó số phần trăm hưởng lợi giảm dần còn 1,8%, 1,65%...). Tổng số tiền mà Công ty Sài Gòn Tây Nam hưởng lợi bất chính từ các phi vụ xuất khẩu hàng cho Dũng là 24 tỉ đồng.
Bị cáo Nghiêm Nhật Nam (tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam) bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì đã có hành vi giúp sức cho Dũng chiếm đoạt 137,5 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT thông qua Công ty Sài Gòn Tây Nam.
Bị cáo Nam còn bị xét xử về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức do có hành vi sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng và nhận riêng về cho mình 6,5 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Nam khai nhận trong khoản tiền 6,5 tỉ đồng, đã chi cho bị cáo Ngát 900 triệu đồng làm dịch vụ xác minh, ấn chỉ hóa đơn thuế; chi cho Ngô Tiến Triển (phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam) để ngoại giao với các cán bộ Cục Thuế tỉnh Tây Ninh; ngoài ra còn chi lương cho nhân viên của công ty.
Ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa chất vấn tại sao bị cáo lại đưa khoản tiền cá nhân vào khoản lương cho nhân viên. Cạnh đó, về vấn đề các khoản chi cho các cán bộ thuế tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình điều tra vụ án, do không đủ thời hạn điều tra nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra, xử lý.
Nhận tiền để báo tin trước khi kiểm tra thuế
Các bị cáo là cựu cán bộ thuế bị xét xử về tội nhận hối lộ. Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Đào Thị Nga (cựu cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 1) khai đã nhận từ bị cáo Ngát 776 triệu đồng; bị cáo Ngô Huỳnh Lũy (Chi cục Thuế quận 5) khai đã nhận 497 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Phương Nam (Chi cục Thuế quận 3) chưa được xét hỏi.
Bị cáo Nga và bị cáo Lũy đều khai nhận việc báo tin trước cho Ngát nếu có kiểm tra thuế các công ty “ma”, hoặc báo cho Ngát chuyển địa bàn khác. Đồng thời, bị cáo Nga và bị cáo Lũy đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Ngát.