Dự kiến hôm nay (15-11), TAND huyện Tuy Đức, Đắk Nông đưa vụ án nhóm bảo vệ Công ty Long Sơn truy sát người dân để lấy rẫy ra xử sơ thẩm sau nhiều lần hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tám bị cáo gồm Trần Văn Bốn, Nguyễn Khắc Duy, Trương Thanh Dững, Trần Thanh Phú, Trần Thanh Phong, Trần Văn Trí và Võ Văn Luân bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS.
Chém người đến chấn thương sọ não
Theo cáo trạng của VKSND huyện Tuy Đức, vụ án xuất phát từ nguyên nhân tranh chấp mảnh đất bỏ hoang không canh tác tại tiểu khu 1529, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) giữa ba anh em Trần Văn Thanh với Đào Công Bắc (cùng trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Đào Công Bắc nhờ Phạm Đình Phúc (cùng trú xã Bom Bo) đòi giúp đất và hứa bồi dưỡng.
Chiều 3-3, Phúc rủ thêm nhóm của Bốn, Long và Phong; Long gọi thêm Duy và Phú cùng một số nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn mang theo hung khí đến rẫy của Trần Văn Thanh.
Tại đây, nhóm của Bốn xông vào đánh, chém túi bụi những người trong gia đình của anh Thanh. Vụ truy sát khiến anh Thanh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, ba người khác trong gia đình anh Thanh cũng bị thương.
Ngày 24-3-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức, Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam sáu người đều là nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần trước. Ảnh: N.ĐỨC
Cáo trạng nhận định bất lợi cho phía bị hại
Tại các phiên xử sơ thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại (ba anh em Trần Văn Thanh, Trần Văn Hanh và Trần Văn Huỳnh) cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong bản kết luận điều tra và cáo trạng. Cơ quan tố tụng chưa làm sáng tỏ bản chất vụ án cũng như bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại.
Cụ thể, về nguyên nhân sự việc đánh người gây thương tích, kết luận điều tra và cáo trạng cho rằng nguồn gốc mảnh đất rẫy trồng cây điều tại tiểu khu 1529, xã Quảng Trực là của Đào Công Bắc bị anh em Trần Văn Hanh, Trần Văn Thanh và Trần Văn Huỳnh lấn chiếm trái phép là không phù hợp với sự thật khách quan. Việc tranh chấp đất rẫy này là xuất phát điểm dẫn đến hành vi phạm tội của nhóm Trần Văn Bốn. Do vậy, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án cần phải xác định rõ mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của ai.
Luật sư nói: “Phía bị hại là ông Trần Văn Huỳnh đã cung cấp nhiều bằng chứng chứng minh nguồn gốc đất thuộc quyền sử dụng của anh em ông Huỳnh. Họ đã khai phá và canh tác, sử dụng ổn định từ năm 2001 đến nay, trong đó có giấy xác nhận của chủ tịch UBND xã Đắk Ngo ngày 4-6-2015. Trong khi ông Đào Công Bắc không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh quyền sử dụng của mình đối với mảnh đất trên”.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Theo các luật sư, kết luận của CQĐT không có nhận định rõ ràng, còn cáo trạng của VKS lại nhận định nguồn gốc đất là của ông Bắc. Quá trình điều tra, ông Trần Văn Huỳnh có yêu cầu khởi tố Đào Công Bắc và Phạm Đình Phúc là đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Huỳnh không được CQĐT và VKS xem xét.
Tại các phiên xử lần trước, luật sư kiến nghị: “Do vụ án này có dấu hiệu của tội giết người, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản nên thẩm quyền điều tra thuộc Công an tỉnh Đắk Nông. Vấn đề đòi lại tài sản cũng chưa được điều tra làm rõ. Do đó, vụ án này phải chuyển lên cấp trên chứ cơ quan tố tụng huyện Tuy Đức điều tra, xét xử là vượt thẩm quyền”.
Một luật sư khác của bị hại nêu quan điểm: Cơ quan tố tụng không khởi tố đối với Đào Công Bắc và Phạm Đình Phúc là bỏ lọt tội phạm. Bởi theo lời khai của Phong cùng biên bản đối chất giữa Phạm Thanh Long và Bắc, giữa Bốn và Phúc cho thấy Bắc là người đề nghị nhóm Bốn và đồng bọn đến rẫy của Huỳnh đòi đất với lời hứa sẽ trả công nếu đòi được. Còn Phúc là người đứng giữa giúp Bắc gặp nhóm Bốn, thuyết phục nhóm này giúp Bắc đi đòi đất. Như vậy, hành vi của Bắc và Phúc mang tính chất đồng phạm với vai trò là chủ mưu.
Luật sư cho rằng việc Bắc chiếm đất của gia đình anh Thanh, đốt nhà canh rẫy của gia đình bị hại nhằm hủy hoại tài sản, phi tang chứng cứ. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
“Vụ truy sát gây ảnh hưởng nặng nề đối với gia đình bị hại. Việc CQĐT và VKS huyện Tuy Đức giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo và các đối tượng liên quan” - luật sư nói.
Bốn nạn nhân bất tỉnh mới dừng tay Tiếp xúc với PV báo Pháp Luật TP.HCM, anh Thanh ngơ ngác không nói được gì, chỉ giơ tay làm dấu khi PV hỏi về vụ án.
Ông Trần Văn Thanh bị nhóm bảo vệ Công ty Long Sơn chém thương tật 90% giờ không nói được. Ảnh: N.ĐỨC Anh Trần Văn Huỳnh (em của anh Hanh, cũng bị chém thương tật 8%) nói: “Anh tôi giờ không nói được do hậu quả của vụ nhóm bảo vệ Công ty Long Sơn tấn công nhằm cướp rẫy cho kẻ giang hồ từng ở tù về. Rẫy gia đình tôi có giấy xác nhận của xã mà nhóm này vẫn ngang nhiên tấn công gia đình chúng tôi để lấy bán cho người khác”. Anh Huỳnh kể lại vụ truy sát: “Khi thấy anh Thanh bị chém, cả ba người trong gia đình đã xông vào can ngăn, chống đỡ nhưng nhóm người này vẫn hung hãn tấn công đến cùng, khi cả bốn người chúng tôi bất tỉnh nhóm này mới bỏ đi”. |