Xuất hiện ‘cò tàu cá’ lừa ngư dân

Gần đây, nhiều bà con ngư dân ở tỉnh Phú Yên, Bình Định phản ánh tại các địa phương này xuất hiện tình trạng “cò” vay vốn, môi giới đóng tàu, cung ứng vật tư, máy móc cho ngư dân theo nhiều cách thức khác nhau.

“Cò” nói quen thân với giám đốc ngân hàng

Hiện tượng “cò” đóng tàu xuất hiện ngay sau khi danh sách ngư dân vay vốn đợt đầu tiên (theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản) được công bố. Theo phản ánh của một số chủ tàu ở tỉnh Phú Yên, sau khi danh sách ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều người tìm cách tiếp cận với các chủ tàu có tên trong danh sách này để “hỏi thăm” chuyện đóng tàu.

Ngư dân VLL (ngụ TP Tuy Hòa, Phú Yên) kể: “Một số người tìm cách gặp hoặc liên tục gọi điện thoại cho tôi, họ nói sẵn sàng hỗ trợ làm các thủ tục, từ vay vốn đến đóng tàu, mua máy móc, thiết bị. Tôi nói với họ đây là chủ trương lớn của Chính phủ, đã có các cơ quan nhà nước hỗ trợ ngư dân rồi nên không cần họ giúp”.

Theo một số ngư dân, gần đây có người gọi điện thoại, thậm chí đến gặp trực tiếp bà con cho biết họ là nhân viên của một công ty thương mại - dịch vụ ở TP Tuy Hòa và ngỏ lời mời chào, thuyết phục ngư dân ký hợp đồng làm dịch vụ “đóng tàu trọn gói”. “Nghe tàu chúng tôi vừa cập bờ, người của công ty ấy đã tìm cách săn đón. Họ nói quen thân với giám đốc ngân hàng nên sẽ giúp làm thủ tục vay vốn nhanh gọn. Họ còn nói nếu ký hợp đồng với công ty họ, hai bên sẽ ăn chia theo tỉ lệ phần dôi dư giữa số tiền vay vốn và giá đóng tàu” - một chủ tàu cá tên A. ở TP Tuy Hòa cho biết.

Ngư dân tỉnh Phú Yên đầu tư đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi. Ảnh: TẤN LỘC

Soạn sẵn cả hợp đồng lo “trọn gói”

Không chỉ trao đổi miệng, các đối tượng trên còn đưa cho ngư dân một bản “hợp đồng nguyên tắc đóng mới tàu cá” đã soạn sẵn và liên tục thúc giục ký. Trong bản hợp đồng này, công ty trên nhận đóng một chiếc tàu công suất lớn, có chi tiết thiết kế, địa điểm thi công, giao nhận tàu là “mặt bằng của một xưởng đóng tàu” ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trong phần “giá cả và hình thức thanh toán” nêu: “Đơn giá đóng mới tàu, hai bên sẽ thỏa thuận sau”, bên công ty trên cho ông A vay 700 triệu đồng tiền vốn đối ứng. “Họ giục tôi sớm ký hợp đồng để triển khai nhưng tôi hẹn để nghiên cứu đã, thực chất tôi rất nghi ngờ họ bởi mẫu thiết kế tàu tôi định đóng chưa có, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt làm sao họ có thể đóng. Mặt khác, họ còn nói quen biết với nhiều cán bộ quản lý chuyện đóng tàu nên dễ dàng rút được khoản tiền chênh lệch. Họ nói họ sẽ lo hết các thủ tục cũng như giúp giám sát việc đóng tàu” - một ngư dân cho biết thêm.

Tương tự, nhiều chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cũng cho hay nhiều “cò” cũng đã bắn tiếng với mình. “Họ nói nếu để họ đứng ra làm dịch vụ, giới thiệu công ty cung ứng máy móc, thiết bị hoặc để họ làm trung gian cung ứng, chúng tôi sẽ được hưởng vài tỉ đồng để làm vốn lưu động sau này” - ông TTV (ngụ xã Hòa Thanh, huyện Hòa Nhơn) cho hay.

“Đó là trò lừa ngư dân”

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết ông đã nghe thông tin về tình trạng “cò” dụ dỗ ngư dân nhưng chưa nắm cụ thể sự việc. Theo ông Phương, nếu có thì “đó là hình thức lừa ngư dân để kiếm chác”. Ông Phương cho hay: “Trong tổ thẩm định có đại diện cơ quan công an. Trong các cuộc họp liên tịch, UBND tỉnh đều giao nhiệm vụ cho công an để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng làm “cò”, những chỗ làm bậy, mánh mung, kể cả cán bộ chứ không chỉ các doanh nghiệp hay người dân. Do đó, công an kiểm soát rất chặt”. Ông Phương thông tin: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, nói rõ cho ngư dân nắm như địa chỉ tổ thẩm định, người thẩm định, các đơn vị có trách nhiệm… Ngay cả cán bộ ngân hàng đi gặp ngư dân cũng có giấy giới thiệu chứ đâu phải không không. Hồ sơ thiết kế phải được duyệt rồi gửi ra Bộ NN&PTNT duyệt, ngân hàng thuê tư vấn độc lập thẩm định dự toán… Không có sơ hở nào lọt qua tổ thẩm định nên các kiểu “cò” đó chỉ là lừa ngư dân thôi”. Ông Nguyễn Tri Phương cũng cho hay Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã nhiều lần yêu cầu ngư dân làm việc trực tiếp với tổ thẩm định, với cán bộ ngân hàng, không được thông qua trung gian nào cả, không nên nghe theo lời hứa của các “cò” bởi có thể mất tiền oan.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nói: “Ngư dân mà nghe theo lực lượng “cò” này là rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ cử cán bộ ngăn chặn ngay hiện tượng bất minh này, đồng thời giải thích cho bà con hiểu chứ để bị “cò” phỉnh thì tội bà con lắm!”.

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Phú Yên, cũng khẳng định: “Nếu họ nói với ngư dân là quen biết ngân hàng sẽ làm thủ tục vay nhanh là mạo danh, một dạng lừa đảo. Ngân hàng chúng tôi có tổ công tác đến nhà ngư dân tiếp thị, thậm chí năn nỉ họ vay chứ có khó khăn gì đâu. Việc vay vốn đều tuân theo quy định, có tổ thẩm định. Chúng tôi cử anh em làm đúng theo trình tự đó. Còn vay ngân hàng nào là quyền lựa chọn của người dân, bà con thấy nơi nào thuận lợi thì họ lựa chọn nhưng đều qua tổ thẩm định. Còn chuyện một số người tiếp cận ngư dân, nói sẽ bán tàu, bán máy gì đó thì bà con nên cân nhắc, lựa chọn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới