Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam (VN) năm 2022 đã đạt những con số thực sự ấn tượng: Kim ngạch đạt 371,85 tỉ USD, tăng 10,6% và xuất siêu 11,2 tỉ USD, gấp hơn ba lần so với năm trước đó.
Các mặt hàng như củ kiệu, ớt xay, dưa món, mắm ruốc… được xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, xuất khẩu VN trong năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Dù vậy, nếu các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển mình vượt khó, nâng chất sẽ chớp được cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP):
Giữ chân công nhân, tăng chế biến sâu để đón đơn hàng lớn
Dù năm 2022 là năm tăng trưởng tốt của ngành thủy sản nhưng hiện nay nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ thủy sản chính của VN đang chững lại do nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm.
Cụ thể, trong tháng 1-2023, giá trị xuất khẩu thủy sản VN giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường chưa thể phục hồi ngay được do lạm phát toàn cầu, người tiêu dùng các nước thắt chặt chi tiêu.
Tuy vậy, yếu tố lạc quan giúp thị trường thủy sản trong thời gian tới là với mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng vẫn tiêu thụ nhiều. Thứ hai là thị trường lớn như Trung Quốc đã mở cửa lại, giúp nhu cầu tiêu thụ thủy sản VN chắc chắn sẽ tăng trưởng.
Thặng dư ở mức 3,6 tỉ USD
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2023 ước đạt 25,08 tỉ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 7 tỉ USD.
Tuy vậy, cán cân thương mại ghi nhận thặng dư ở mức 3,6 tỉ USD. Đáng chú ý, các nhà nhập khẩu không giảm đặt hàng ở tất cả doanh nghiệp mà vẫn chọn và ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp tốt, có sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, nên vẫn có những công ty đón đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài.
Như vậy, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội không ít. Đơn hàng dự báo sẽ tăng lại sau quý I-2023 khi thế giới mua hàng nhiều hơn. Vấn đề là chúng ta phải vượt qua thách thức, gia tăng năng lực cạnh tranh. Nhiệm vụ của các công ty trong ngành lúc này là phải chuẩn bị tốt nguồn vốn, giữ chân người lao động, có giải pháp logistics, lưu kho… hiệu quả.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần gia tăng các sản phẩm thủy sản chế biến sâu để tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị xuất khẩu. Nếu không chuẩn bị tốt thì khi các đơn hàng lớn đổ về cũng không đủ sức cung ứng, lỡ cơ hội.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:
Nhiều mặt hàng mới được cấp “visa” vào thị trường lớn
Có nhiều mặt hàng trái cây VN đã được cấp phép nhập khẩu vào các thị trường lớn. Đơn cử trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bưởi vào Mỹ và nhãn vào thị trường Nhật Bản. Đáng chú ý, tháng 1-2023 Trung Quốc đã nới lỏng chính sách “zero COVID”. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy ngành rau quả của nước ta trong năm 2023 sẽ rất sáng cửa, tốc độ tăng trưởng sẽ tốt.
Nhận định lạc quan như vậy là có cơ sở. Ví dụ từ trước tới nay, trái sầu riêng đều xuất tiểu ngạch nhiều đường sang Trung Quốc nên không ai thống kê được giá trị, nay chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thì có thể nắm được. Trái sầu riêng của VN được đánh giá có thể nhanh chóng trở thành loại trái cây mang lại tỉ USD xuất khẩu trong năm nay.
Tuy nhiên, khó khăn là ngành rau quả phải làm sao bảo vệ được thương hiệu nông sản Việt. Trong đó, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng để có thể đàm phán với nhiều thị trường. Khó nữa là dòng tiền chưa được khơi thông, các ngân hàng vẫn giới hạn cho vay khiến doanh nghiệp khó mở rộng đầu tư các vùng nguyên liệu, gắn kết với người nông dân. Vì vậy các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc này.
Về phía các nhà xuất khẩu cần lưu lý: Không nên quá chú tâm gia tăng số lượng xuất khẩu mà nên giữ mối quan hệ tốt với đối tác, thanh toán nhanh chóng để có thể chủ động tốt dòng tiền ổn định. Đồng thời cần tiếp tục mở rộng thị trường, lựa chọn đối tác uy tín.
Như mới đây, Tập đoàn Vina T&T đã hợp tác với Tập đoàn Sunwah để đưa trái sầu riêng thẳng vào các hệ thống bán lẻ tại thị trường Trung Quốc. Vì vậy năm nay, tập đoàn kỳ vọng đạt tăng trưởng 30%-40% so với năm ngoái.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3:
Giảm chi phí tối đa để vượt khó
Hiện các thị trường xuất khẩu chính đều giảm. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh; chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Trong bối cảnh trên, để có việc cho công nhân, tránh hoặc giảm sa thải hàng loạt, các công ty dệt may chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, giảm giá đơn hàng và cơ cấu lại sản xuất… Dự báo trong quý I, thậm chí đến giữa năm 2023 tình hình vẫn còn khó khăn nhưng đa số công ty vẫn kỳ vọng những bất ổn trên thế giới cải thiện, kinh tế sớm phục hồi, tình hình đơn hàng sớm hồi phục.
Mặt khác, để ổn định sản xuất, giữ thị trường trong năm 2023, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường bằng nhiều giải pháp. Chẳng hạn chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, tái chế để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng. Đồng thời cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may.
Ông NGUYỄN NAM HẢI, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa):
Cơ hội với ngành cà phê Việt Nam
Lạm phát toàn cầu khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tìm đến các sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này thúc đẩy các nhà rang xay trong khu vực gia tăng nhập khẩu cà phê robusta có giá thấp hơn arabica. Đây được cho là cơ hội đối với ngành cà phê VN với vai trò là quốc gia sản xuất robusta số 1 thế giới.
Bên cạnh đó, lợi thế thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này. Cùng với thị trường EU, việc Trung Quốc mở cửa lại cũng là cơ hội cho xuất khẩu cà phê của VN lấy lại đà tăng trưởng vào thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với cà phê xuất khẩu hiện nay là các yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm ngày càng gia tăng. Vì vậy, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê VN cần chú trọng đầu tư hơn vào khâu sơ chế, bảo quản, chế biến sâu.•
Chưa khai thác tốt lợi thế FTA
Kinh tế VN là nền kinh tế xuất nhập khẩu. Năm 2023 chúng ta có sự hội nhập lớn, khi có tới 20 hiệp định thương mại (FTA) mở ra là cơ hội rất tốt nhưng nếu không tận dụng tốt thì sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Chúng ta cũng đã thấy nhiều sản phẩm xuất khẩu của VN bị trả lại do không đáp ứng điều khoản thương mại. Vì vậy, VN cần có sự điều chỉnh về kỹ thuật hàng xuất khẩu, kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các lô hàng xuất khẩu phải đảm bảo đồng đều về chất lượng, nếu không duy trì tốt, hàng Việt chỉ chen chân vào thị trường ban đầu song khó có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường này về lâu dài.
Đặc biệt để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình. Từ đó doanh nghiệp mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh để khai thác lợi thế FTA hiệu quả nhất.
Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế