Ngày 8-1 tới đây, Trung Quốc (TQ) sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly phòng dịch COVID-19. Thông tin này khiến các doanh nghiệp Việt kỳ vọng xuất khẩu có thể thuận lợi hơn.
Hứa hẹn đơn hàng bùng nổ
Theo thông tin từ các công ty thủy sản, từ quý IV-2022 kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm mạnh. Cũng vì vậy mà các đơn hàng thủy sản bắt đầu chậm lại. Riêng trong tháng 12-2022, xuất khẩu tôm giảm 21%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh như vậy, thông tin TQ sẽ mở cửa biên giới trở lại từ ngày 8-1 khiến các doanh nghiệp thủy sản bớt lo lắng. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: Trong bối cảnh các thị trường khác đang trì trệ thì việc TQ mở cửa biên giới là cơ hội lớn đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nông sản chờ thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: TÙNG ĐINH |
“Thị trường hơn 1 tỉ dân mở cửa hứa hẹn nhu cầu sẽ bùng nổ rất mạnh sau thời gian dài bị hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán và dịp nghỉ lễ đầu năm 2023. Nhu cầu lớn này có thể kéo dài ít nhất đến hết quý I-2023. Quan trọng hơn, chúng ta ở sát thị trường tỉ dân nên sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh” - bà Hằng bày tỏ hồ hởi.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng đánh giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi TQ mở cửa. Khi đó, thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới sẽ nhanh hơn, giảm chi phí chờ đợi, chất lượng hàng hóa đảm bảo vì không mất nhiều thời gian để chờ thông quan.
Xuất khẩu sầu riêng tăng hơn 4.000%
TQ là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Trong năm 2022, khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, bằng nhiều nỗ lực, chỉ trong một tháng đã đạt mức tăng trưởng 4.100%.
Tới đây, nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang TQ nhờ vào việc ký kết các nghị định thư.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
PHÙNG ĐỨC TIẾN
Bên cạnh đó, việc tổ chức các đoàn giao thương giữa hai nước sẽ trở lại nhộn nhịp hơn; việc tìm hiểu, ký kết hợp đồng, đầu tư sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, các thủ tục về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng được đẩy mạnh.
“Năm 2022, nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam đã được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang TQ như sầu riêng, khoai lang, chanh dây, chuối… Khi TQ mở cửa, nhu cầu của người dân TQ tăng mạnh hơn sẽ càng tạo điều kiện cho việc xuất khẩu các mặt hàng này. Theo đánh giá của hiệp hội, dự báo với những thuận lợi như trên, năm 2023 xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỉ USD” - ông Nguyên nói.
Không riêng các mặt hàng rau quả, thủy sản mà nhiều mặt hàng chăn nuôi cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu khi TQ mở cửa biên giới. Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết đến nay đã có chín nhà máy của bảy công ty sản xuất sữa được xuất khẩu sang TQ. Đặc biệt là sau gần bốn năm đàm phán, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang TQ. Hiện Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn gồm bảy bước cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu yến và đã có năm đơn vị gửi hồ sơ.
“Cố gắng đầu năm 2023 sẽ có lô yến đầu tiên xuất khẩu sang TQ” - ông Long nhấn mạnh.
Không chỉ Việt Nam nhìn thấy cơ hội
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu nông sản khi TQ mở cửa biên giới, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho hay cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tại cửa khẩu sắp xếp nhân sự, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Với các mặt hàng chủ lực đã được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng trồng và cơ sở đóng gói, mùa vụ, năng suất. Qua đó để điều tiết các vùng nguyên liệu, tránh ùn tắc, gây áp lực tiêu thụ tại các cửa khẩu.
Ông Đạt cũng cho biết đối với các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng, cục đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho tất cả doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện quy định trong các nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết.
Cạnh đó, sau khi TQ mở cửa lại, các nước sẽ xuất khẩu ồ ạt sang thị trường này. Vì vậy có thể TQ sẽ kiểm tra chặt về mặt an toàn thực phẩm, nâng cao những tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, trước mắt là lệnh 248, 249 của TQ được áp dụng từ năm 2021. Họ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về các điều kiện để các nhà máy, các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường này. Đây là thách thức mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hết sức chú ý để giảm thiểu rủi ro.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, cũng đánh giá việc TQ mở cửa biên giới là tin vui đối với hàng hóa xuất khẩu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu Việt Nam nhìn ra được lợi thế từ chính sách này của TQ thì các nước khác cũng nhìn ra được và ồ ạt xuất khẩu sang thị trường này. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường TQ bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
“Thách thức đầu tiên chính là áp lực cạnh tranh với những nước cùng sản xuất các mặt hàng tương tự Việt Nam. Có thể mình sẽ bị ép giá khi có quá nhiều sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia cùng xuất khẩu vào TQ” - bà Hằng nhận định.
Sắp tới có thể xuất khẩu heo, gia súc… sang Trung Quốc
Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT cho hay cơ quan này đang phối hợp với phía TQ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng vì phía TQ rất quan ngại về dịch bệnh này. Khi hoàn tất các quy trình và hai bên ký thỏa thuận thì chúng ta có thể xuất khẩu heo, gia súc sang TQ thuận lợi.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thú y, đối với thịt gà chế biến, ngoài việc tiếp tục xuất khẩu sang Nhật Bản, cục cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang thị trường TQ. Các mặt hàng như bột cá, bột lông vũ và nhiều sản phẩm khác rất có tiềm năng xuất sang thị trường này.