Xúc phạm ai cũng nên gom hết vào một nghị định

Chỉ nên phân biệt với người thi hành công vụ

Luật sư Lê Văn Hoan

Cùng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhưng đối tượng bị xúc phạm khác nhau thì có mức hình phạt khác nhau. Việc đưa ra nhiều mức xử phạt chỉ làm cho các quy định của pháp luật thêm phức tạp và mang tính chất phân biệt đối xử trong xã hội giữa các ngành nghề khác nhau.

Như vậy vô hình trung chúng ta gián tiếp kỳ thị và phân biệt các giai cấp trong xã hội.

Lẽ ra chúng ta phải căn cứ trên cơ sở quy định tại hiến pháp rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Lòng tự trọng trong mỗi người là khác nhau nhưng chúng ta không thể định lượng một cách chính xác mà chỉ dựa trên cơ sở định tính nên việc phân biệt mức phạt đối với các đối tượng khác nhau là không phù hợp. Có chăng chúng ta chỉ phân biệt giữa người thi hành công vụ và không thi hành công vụ thì sẽ hợp lý hơn.

Với người thi hành công vụ là người đó phải thực hiện một công việc mà pháp luật quy định phải làm chứ không phải nhân danh cá nhân họ, do vậy việc xúc phạm danh dự người thi hành công vụ nên chăng sẽ có chế tài cao hơn so với người không thi hành công vụ.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Mức phạt nhân phẩm chung hiện nay quá thấp

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa

Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi của cá nhân... mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.Điều này được hiểu nếu vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì áp dụng các quy định tương ứng theo Điều 155 BLHS 2015.

Theo đó, các quy định này cũng đã cụ thể một số chủ thể đặc biệt cần phải có mức xử phạt nghiêm khắc vì lý do truyền thống, đạo lý, phong tục, tập quán như đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; người đang thi hành công vụ…

Cho nên xây dựng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính cũng phải đảm bảo tương đồng với BLHS về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo tôi, cần gom chung hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm vào một quy định và chỉ nên xem việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của giáo viên, thành viên gia đình, nhà báo, bác sĩ, người thi hành công vụ... là hành vi vi phạm thuộc tình tiết tăng nặng khi xử phạt.

Lý do các cá nhân này là đối tượng rất dễ bị xâm phạm (xúc phạm) do việc tiếp xúc xã hội và nhằm đảm bảo răn đe, phòng ngừa và giữ gìn trật tự văn hóa xã hội.

Hiện nay mức phạt tiền cho hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo Nghị định 167/2013 100.000-300.000 đồng là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy cần quy định mức phạt cao hơn như từ 500.000 đến 2 triệu đồng nếu thuộc hành vi khoản 1; từ 2 triệu đến 10 triệu đồng nếu thuộc khoản 2 (các chủ thể đặc biệt...); 10-20 triệu đồng nếu thuộc khoản 3 (xúc phạm danh dự, nhân phẩm ba người trở lên...).

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Xúc phạm chủ thể đặc biệt nên là tình tiết tăng nặng

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch

Các quy định về xử lý hành chính hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm đang bị chồng chéo, trái nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có dấu hiệu vi hiến. Theo tôi, nên quy định theo hướng hợp nhất vào một nghị định duy nhất và không quy định xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với đối tượng cụ thể là nhà giáo, y, bác sĩ, nhà báo… mà chỉ quy định là người thi hành công vụ hoặc thêm vào các tình tiết tăng nặng để định khung phạt cao hơn mức cơ bản.

Ví dụ CSGT là người thi hành công vụ, tiến hành xử phạt người vi phạm nhưng người vi phạm không tuân thủ mà còn có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm (chửi mắng, thóa mạ…) thì đây là căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng với mức xử lý hành chính cao hơn khung cơ bản.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về hành vi như thế nào thì gọi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Việc quyết định đều do người có thẩm quyền đánh giá chủ quan, gây khó khăn và chưa thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật. Thực tế có nhiều trường hợp cùng một hành vi, cùng một lời nói nhưng có người lại cho rằng đó là xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tiến hành xử lý. Thế nhưng cũng có người lại cho rằng không có tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm và không xử lý. Việc làm này sẽ dễ dẫn đến gây bức xúc cho người khác.

Ngoài ra, có thể xem xét bổ sung quy định về việc mức phạt tuy thấp nhưng có thể kèm theo quy định về việc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác tại Điều 155 BLHS 2015 và được xem là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác.

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Thế giới xử phạt danh dự, nhân phẩm ra sao?

Cộng hòa Liên bang Nga đã ban hành bộ luật về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, phần II bộ luật của Nga gồm 18 chương, quy định từng vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể. Với bộ luật này thì chế tài xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm được quy định thống nhất và không có sự mâu thuẫn, chồng chéo.

TS CAO VŨ MINH (ĐH Luật TP.HCM)

Qua quá trình tìm hiểu quy định của pháp luật một số nước trên thế giới như Canada, Đức, Mỹ…, tôi đều nhận thấy một điều rất quan trọng là pháp luật đều không có sự phân biệt về địa vị, chức vụ, ngành nghề trong xã hội và đều bị xử lý bình đẳng về cùng hành vi vi phạm.

Người bị xúc phạm sẽ trình báo cơ quan có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết, xử lý người xúc phạm. Nếu người xúc phạm cho rằng hành vi của mình là không có xúc phạm (hoặc họ không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền) thì vụ việc sẽ được chuyển đến tòa án có thẩm quyền để xét xử. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Ví dụ: Khi bị một người xúc phạm danh dự, nhân phẩm (chửi rủa, đưa các dấu hiệu biểu hiện sự xúc phạm, nhắn tin, gửi email thóa mạ…) thì người bị xúc phạm sẽ gọi điện thoại báo cảnh sát. Cảnh sát sẽ điều tra và ra quyết định xử phạt người xúc phạm với mức phạt tương ứng nào đó. Nếu người đó không chấp hành thì cảnh sát sẽ chuyển vụ việc qua tòa án để xét xử.

Pháp luật Việt Nam từ ban đầu đã đi theo hướng này, xác định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, điều này được thể hiện qua quy định tại Hiến pháp năm 2013, BLDS 2015... Vì vậy, việc ban hành nhiều nghị định điều chỉnh cùng hành vi như hiện nay là không cần thiết và gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Bởi pháp luật là thống nhất, toàn diện và áp dụng cho mọi công dân.

TS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm