Ý kiến trái chiều về đề xuất lập ‘siêu sở’

Góp ý tiếp cho dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương (trong đó có đề xuất hợp nhất một số sở), các ý kiến phân tán thấy rõ. Theo đó, các chuyên gia ủng hộ việc hợp nhất để tinh gọn bộ máy, trong khi bộ và địa phương thì nêu rất nhiều băn khoăn.

Không nên là phép cộng đơn giản

Trao đổi với PV ngày 28-3, ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&ĐT), cho biết Bộ KH&ĐT đã có văn bản góp ý với Bộ Nội vụ về vấn đề sáp nhập hai sở Tài chính và KH&ĐT ở cấp tỉnh.

Theo ông Ngân, trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, có lẽ việc sáp nhập hai sở này thành một sở sẽ làm nảy sinh một “siêu sở”, bởi khối lượng công việc của hai sở này dồn lại sẽ rất nhiều. Thêm nữa, nếu với cơ cấu về cấp trưởng và cấp phó như hiện nay thì chỉ riêng việc đi họp “siêu sở” này đã không đủ người...

“Một trong những lý do cần sáp nhập là các cơ quan có chức năng trùng nhau. Trong thực tế, ngành kế hoạch và ngành tài chính hiện nay có chức năng rất khác biệt. Lý do duy nhất được đưa ra là hai sở này có chức năng về chi ngân sách nhưng thực tế thì ngành KH&ĐT chịu trách nhiệm tổng hợp về kinh tế-xã hội gắn liền với chính sách về đầu tư phát triển chứ cũng không tham gia sâu vào việc quản lý cụ thể về chi ngân sách” - ông Ngân phân tích.

Ông Ngân cho rằng việc có nên thực hiện việc sáp nhập này không cần dựa trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ và khoa học, không nên để dẫn tới tình trạng thực hiện một phép cộng đơn giản không dẫn tới nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy.

Ngoài ra, theo ông Ngân, Nghị định 24 cũng mới đi vào cuộc sống được hai năm. Các tỉnh vừa thực hiện sắp xếp lại tổ chức, bây giờ tiếp tục sắp xếp thì hết nhiệm kỳ cũng không có thời gian tập trung vào các công việc chuyên môn khác. Dĩ nhiên trong quá trình chuyển đổi thì tùy điều kiện kinh tế-xã hội nên để các tỉnh tự quyết định việc sáp nhập hay không.

Về đề xuất hợp nhất một số sở ở địa phương, ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng sáp nhập như thế nào thì phải nghiên cứu kỹ vì liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết Sở cũng đã gửi các cơ quan chuyên môn cho ý kiến về dự thảo nghị định để trình UBND TP gửi ra cơ quan có thẩm quyền ở trung ương.

Theo ông Đồng, khi lấy ý kiến thì cũng có nhiều vấn đề rất phân vân. Thực tế với dự thảo trên, có địa phương đồng ý nhưng cũng có nơi không đồng ý. Vì khi sáp nhập sẽ gây ra ảnh hưởng lớn, gây xáo trộn bộ máy, mà thực tế mỗi địa phương cũng khác nhau. “Hiện tại TP công việc rất nhiều, lại mang đặc điểm đô thị-nông thôn nên tách nhập cũng cần phải tính toán cụ thể. Cái gì phù hợp thực tế, chồng chéo thì có thể làm được nhưng không chồng chéo thì thôi” - ông Đồng nói.

Sở KH&ĐT TP.HCM là một trong những sở phải giải quyết một số lượng lớn hồ sơ tiếp nhận trong ngày. Ảnh: HTD

Sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, nhiều quyền

Trong khi phía bộ và chính quyền địa phương lo ngại việc sáp nhập thì các chuyên gia lại có quan điểm khác. Theo chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, mô hình tổ chức các sở theo hướng liên ngành đa lĩnh vực sẽ phát huy những mặt tích cực, khắc phục những chồng chéo, rườm rà hiện nay. Ông cũng nhận định chắc chắn trong quá trình sáp nhập sẽ có nhiều sự xáo trộn, vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, nhiều quyền của nhiều người.

Ông Lưu Xuân Tiếp, nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng sáp nhập đầu mối các cơ quan là rất cần thiết, bởi nếu sáp nhập được thì mới có cơ sở để tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Theo ông Tiếp, tâm lý chung của người đứng đầu là phải có “quân đông”, vừa để giải quyết công việc, vừa oai. “Khó khăn hiện nay là khi sáp nhập đầu mối cơ quan thì phải giải quyết bài toán biên chế dôi dư. Có lẽ cần phải có lộ trình 2-3 năm để giải quyết vấn đề này. Song song với lộ trình này là một chiến lược tạo việc làm trong các khu vực khác và chiến lược sàng lọc, tuyển dụng những cán bộ, công chức thực sự có năng lực, có thể đảm đương được nhiều đầu việc một lúc” - ông Tiếp góp ý.

Ông Tiếp cho biết hiện đã có những mô hình tinh giản hoặc sáp nhập các đầu mối cơ quan rất hiệu quả mà Quảng Ninh là một điển hình. Ở đây, Ban Kinh tế của Tỉnh ủy đồng thời đảm nhiệm chức năng tham mưu về kinh tế cho UBND tỉnh. Hay Sở Thông tin và Truyền thông kiêm luôn nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

“Theo tôi, vấn đề sáp nhập đầu mối các cơ quan thì các cơ quan trung ương nên gương mẫu. Chúng ta đã thành công khi sáp nhập đầu mối các cơ quan cấp huyện thì việc phát huy kết quả từ cơ sở này ở các cấp tỉnh và trung ương cũng nên tính đến” - ông Tiếp nói.

Đề nghị Bộ Nội vụ cung cấp đề án khảo sát

Việc đề xuất hợp nhất Sở KH&ĐT với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch-Tài chính là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, có điều tra, khảo sát đánh giá tác động thấu đáo. Hiện nay nghị quyết của Đảng, Quốc hội hay Chính phủ chưa đề cập cụ thể vấn đề này.

Trong thực tiễn, hai sở vẫn hoạt động độc lập, bình thường, phát huy tốt vai trò của mình, vừa phối hợp vừa kiểm soát, giám sát lẫn nhau. Việc sáp nhập như vậy sẽ không đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương, gây khó khăn trong điều hành, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như quy rõ trách nhiệm khi thanh tra, giám sát.

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng và cung cấp đề án khảo sát, điều tra đánh giá tác động về việc sáp nhập một số sở thuộc UBND cấp tỉnh, lấy và tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, đặc biệt là của 63 UBND cấp tỉnh vì đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ.

Trích công văn của Bộ KH&ĐT gửi Bộ Nội vụ

Có thời cả nước có đến 46 bộ

Còn nhớ có thời cả nước có đến 46 bộ, ngành trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ). Thí dụ như lĩnh vực công nghiệp có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Mỏ địa chất, Tổng cục Hóa chất, Tổng cục Dầu khí. Lĩnh vực nông nghiệp có Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi, Bộ Lương thực thực phẩm, Tổng cục Cao su…

Kinh nghiệm cho thấy trước đây khi có ý kiến nhập bộ để thành bộ liên ngành đa lĩnh vực thì cũng có nhiều ý kiến không đồng tình do lo quản lý không nổi. Việc sáp nhập gặp không ít khó khăn lúc đầu nhưng quyết tâm chính trị cao, cuối cùng giờ đây hoạt động vẫn ổn.

Chuyên viên cao cấp DIỆP VĂN SƠN

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm