Yêu anh, em ở giá... sướng hơn!

Hồi Ni mới được tuyển vô cơ quan làm, anh là người giúp Ni quen việc, chỉ bảo Ni tận tình. Ni cảm động rất nhiều trước tấm lòng của "ma cũ" dành cho "ma mới". Anh rất đẹp trai nữa, nói năng dịu dàng dễ mến, vậy nên Ni luôn thắc mắc tại sao gần 40 tuổi rồi anh vẫn ở vậy.
Khi đã thân thiết rồi Ni hỏi: "Sao anh không lấy vợ?". Anh trả lời một câu nhẹ nhàng làm tim Ni chết điếng: "Anh phải ở chung với ba mẹ, phụ ba mẹ gây dựng việc làm ăn. Giờ đâu ai chịu ở chung làm dâu đâu em. Anh thương em mà không dám nói cũng là vì vậy".
Ni đem lòng thương anh. Ni nghĩ đơn giản chỉ cần hai đứa thương nhau. Tính Ni vui vẻ miễn chấp, ở nhà bà nội Ni khó tính chằn chằn, ít ai dám gần gũi trò chuyện vậy mà Ni với bà vẫn hủ hỉ cùng nhau được. Bạn bè thì Ni nhường hết thảy. Ai cũng nói Ni không xinh nhưng rất tươi tắn dễ gần.
Anh với Ni bí mật yêu nhau được vài tháng, Ni bỗng cảm thấy hơi buồn vì anh tuy rất nhẹ nhàng nhưng ít khi chở Ni đi chơi hay tặng quà dù chỉ là một cành hoa hồng chừng 10.000 đồng. Hết giờ làm là anh lật đật chạy về nhà phụ cha mẹ buôn bán. Ni kể với mẹ, mẹ Ni cười: "Mày còn trẻ cứ ham chơi, mấy đứa lo làm ăn vậy mới lo được cho vợ con". Ni không buồn nữa mà động viên anh ráng buôn bán, anh vui lắm. Anh nói muốn đưa Ni về nhà chơi, chắc chắn cha mẹ sẽ quý thương Ni.
Bữa đầu tiên về nhà anh, Ni hết hồn vì nhà anh to hoành tráng, nằm ngay mặt tiền đường lớn, buôn bán sầm uất. Ni lăng xăng phụ mẹ anh nấu cơm. Mẹ anh, cũng kiểu nói chuyện nhẹ nhàng như anh, khen Ni: "Bác thấy con thiệt là dễ thương, chăm làm, giản dị. Mấy đứa sơn móng tay là mấy đứa lười làm, hư thân". Được khen nhưng Ni tự dưng thấy... sợ sợ.
Lên ăn cơm, cha anh dò nhìn Ni từ đầu tới chân, ông khen Ni cung cách con nhà lành, không nhuộm tóc, không ăn bận lòe loẹt. Anh khoe Ni chăm học lắm, tốt nghiệp một lúc hai trường. Cha anh gật gù nói, giọng nói không to nhưng mắt lạnh lùng: "Con có người yêu thông minh vậy bố rất mừng, bố không muốn cháu nội đích tôn của bố học dốt như con thằng Hùng".
Ni hỏi về người tên Hùng, mới biết đó là em trai anh. Hùng lấy vợ sớm, cô vợ là thợ làm tóc, bị gia đình anh khinh khi vì không môn đăng hộ đối. Ban đầu, cô cũng ở nhà phụ cha mẹ chồng buôn bán nhưng cuối tháng cô xin tiền lương. Mẹ anh nói: "Đời thuở nào con dâu ở chung với cha mẹ chồng đã được bao cơm, ở nhà cao cửa rộng rồi còn xin tiền lương. Bố mẹ nó không biết dạy con. Nó lấy thằng Hùng để nhào vô chia của nhà này thôi mà".  
Hùng bênh vợ và hai vợ chồng chuyển ra riêng, cô mở lại tiệm làm tóc và cho thuê đồ cưới, Hùng chụp ảnh cưới cho khách của vợ. Cha mẹ anh vẫn giọng nói rất nhẹ nhàng: "Sau này hai bác chỉ coi mình con là con dâu thôi. Con khỏi đi làm, chỉ cần ở nhà phụ buôn bán, làm việc nhà, nuôi dạy con, chứ đi làm nhà nước đâu có bao nhiêu mà tốn thời gian. Giờ thuê người ngoài cũng không yên tâm, cứ được ba bữa nửa tháng họ lại đòi hỏi, đòi tăng lương, phát mệt. Sau này hai bác chết đi thì cơ ngơi này cho tụi con hết. Lúc hai bác đến đây gây dựng từ hai bàn tay trắng, khó khăn lắm mới làm nên. Vậy mà nhiều người vẫn nghĩ đồng tiền dễ kiếm, gõ vào vách là nó tự chui ra. Những người đồng hương vào đây làm ăn cùng thời, họ không biết tiết kiệm nên giờ vẫn không giàu nổi, bác coi thường hết sức".
Sau bữa cơm ấy, Ni thấy nhụt chí về một nhà cùng anh. Một bữa, Ni rủ anh đi uống cà phê nói chuyện. Ni hỏi anh: "Nếu lấy nhau thiệt, anh có bắt Ni nghỉ việc không?".
Anh trả lời: "Em nghe bố mẹ nói rồi đó. Lương ở đây có bao nhiêu đâu, em nghỉ ở nhà phụ bố mẹ. Anh đi làm là vì anh cần có vị trí xã hội, nhà mình buôn bán làm ăn cũng dễ dàng".
Ni hỏi tiếp: "Nếu em nghỉ ở nhà thì mỗi tháng anh đưa em nhiêu tiền?". Anh nhìn Ni sững sờ: "Em đừng bắt chước vợ thằng Hùng. Em ăn cơm nhà, điện nước không phải trả mà đòi tiền nữa là sao. Sau này bố mẹ chết đi, tài sản đó cũng của mình mà".
Ni hỏi tiếp: "Nhưng không có tiền trong người, lỡ bạn mời đám cưới hoặc mẹ ruột em bệnh, em phải làm sao?". Anh trả lời: "Bạn nào quan trọng, có quan hệ xã hội để làm ăn thì anh với em đi. Anh ghét nhất mấy đứa biết sơ sơ cũng mời đi, đó là làm tiền người khác. Em phải biết cái nào đáng, cái nào không, phải biết tiết kiệm tiền. Không có ai phung phí mà giàu được. Mẹ em ốm không lẽ mấy anh trai em không lo được sao. Em là con gái mà. Con gái lấy chồng là con người ta rồi. Nếu anh em không lo được thì anh sẽ góp một ít hoặc chia đều ra".
Ni không ngờ cô có thể nói chia tay dứt khoát và bình thản ngay trong bữa cà phê hôm đó. Trước khi đứng lên bỏ đi, anh còn thòng câu: "Một ngày nào đó em sẽ hối hận". 
Ni ngồi lại quán cà phê, lắc lư nghe nhạc, thấy lòng nhẹ tênh. Được một hồi, Ni kêu tính tiền, cô phục vụ chạy ra đưa bill nói: "Của chị còn một ly cà phê ba chục ngàn. Nãy anh kia tính tiền ly của ảnh rồi".

Ni mỉm cười: "Anh ạ, vậy là em không nhầm. Yêu anh, em thà ở vậy cho đời thanh thản".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm