Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước vừa gửi công văn cho Thường trực Huyện ủy Chơn Thành yêu cầu cơ quan này chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng huyện giải quyết vụ án bà Nguyễn Thị Ước (bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) khách quan, đúng pháp luật, tránh oan sai.
Trước đó, bà Ước liên tục gửi đơn cho rằng bà bị oan, bị hình sự hóa quan hệ dân sự. Ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng đây là vụ án phức tạp, được dư luận đặc biệt quan tâm, có nhiều đơn kêu oan, TAND tỉnh xử phúc thẩm đã hủy án để điều tra, xét xử lại do cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, điều tra sơ sài.
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, năm 2009 bà Ước từng được TAND huyện Chơn Thành xin lỗi, bồi thường oan vì đã kết án oan bà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó tháng 8-2011, bà Ước vay của bà Lê Thị Bông 200 triệu đồng, thế chấp bằng giấy đỏ đất của bà với thỏa thuận mỗi tháng trả lãi 12 triệu đồng. Bà Ước ký tên nhưng con trai bà Bông là người viết giấy vay tiền. Sau khi nhờ người lấy lại giấy đỏ không thành, bà Ước đã làm thủ tục xin cấp lại giấy đỏ theo diện mất giấy nhưng bà Bông phát hiện và tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Ước đang trao đổi với luật sư tại phiên tòa trước đây. Ảnh: TT
Xử sơ thẩm, TAND huyện Chơn Thành đã tuyên phạt bà Ước 10 năm tù, buộc bà phải trả cho bà Bông 200 triệu đồng, bà Bông phải trả lại giấy đỏ cho bà Ước. Ngày 3-7, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại vì có nhiều vi phạm cả tố tụng lẫn nội dung. Theo tòa phúc thẩm, trong các lỗi về tố tụng có việc điều tra viên từng làm oan bà Ước gần 10 năm trước, nay lại tiến hành điều tra trong vụ án này là không đảm bảo tính vô tư, khách quan. Về nội dung, cấp sơ thẩm chưa làm rõ có việc vay mượn giữa bị cáo và bà Bông hay không. Vấn đề chứng minh thiệt hại trong vụ án cũng phải được làm rõ vì hồ sơ thể hiện chưa rõ có thiệt hại xảy ra...
Vụ án này từng gây tranh cãi về việc ai là nạn nhân (người bị hại) của vụ án. Theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao), nếu cho rằng bà Ước có hành vi gian dối thì cũng không phải gian dối với bà Bông mà là gian dối với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bà Ước lại bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo ông Quế, cơ quan tố tụng cần phải điều tra làm rõ bà Ước làm lại giấy đỏ để làm gì. Nếu làm lại giấy đỏ để tiếp tục thế chấp vay tiền của người khác thì người bị lừa vẫn phải là bà Bông.
“Chỉ khi nào bà Ước có ý định chiếm đoạt số tiền đã vay của bà Bông bằng thủ đoạn gian dối như sửa chữa giấy tờ vay, chưa trả nhưng nói là đã trả hoặc làm giấy tờ giả có nội dung đã trả tiền cho bà Bông (hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay…) thì hành vi của bà Ước mới cấu thành tội lạm dụng như đã truy tố. Còn giấy đỏ hay bất cứ tài sản thế chấp nào cũng chỉ là để bảo đảm cho khoản tiền vay chứ không thể thay thế được khoản tiền vay. Một vụ án liên quan đến quan hệ vay mượn có thế chấp, nếu muốn truy tố, xét xử về tội lạm dụng thì việc đầu tiên cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bị cáo có ý định chiếm đoạt luôn hay không rồi mới xem xét đến thủ đoạn chiếm đoạt” - ông Quế phân tích.