Cơ quan chức năng Cà Mau đang điều tra bổ sung vụ án đưa - nhận hối lộ và vu khống ở địa phương. Một trong những nội dung phải làm rõ (theo yêu cầu của TAND Tối cao) là có việc nhà thầu đưa cho bà Chung Ngọc Nhãn, nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, 575 triệu đồng hay không.
Trong thời gian này, theo thông tin chúng tôi có được thì bà Nhãn lại liên quan đến một nghi án bê bối khác và thanh tra tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án.
Nhiều bê bối
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đầu năm 2012, bà Nhãn và ông Nguyễn Trung Tâm, phó phòng Kế hoạch Tài chính Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, bị tố giác có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, khi thực hiện dự án trùng tu, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Năm Căn (Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư) đã xảy ra việc quyết toán khống cho một nhà thầu, nhận tiền hối lộ của một nhà thầu khác. Tháng 4-2012, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, bắt giam ông Lê Thanh Phương (giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phương Nam) về tội vu khống. Hơn một năm sau, ông Tâm tiếp tục bị khởi tố, bắt tạm giam vì bị tình nghi nhận hối lộ 200 triệu đồng của nhà thầu Phương.
Bà Nhãn (áo đen, bên phải) được thanh tra xác định có bê bối song lại ra tòa với tư cách là người… bị hại. Ảnh: TRẦN VŨ
Hiện vụ án đã được TAND tỉnh Cà Mau xét xử (chỉ dừng ở nội dung đưa - nhận hối lộ và vu khống) nhưng tháng 3-2015, TAND Tối cao hủy án, yêu cầu điều tra bổ sung.
Lúc này, qua tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 5-2013 (sau khi ông Tâm bị khởi tố, bắt tạm giam), thanh tra tỉnh cũng xác định nhiều sai phạm liên quan đến cá nhân bà Nhãn và ông Nguyễn Thanh Phong, trưởng phòng Kế hoạch Tài chính của Sở. Cụ thể, thanh tra tỉnh đã xác định bà Nhãn đã ký quyết toán khống cho Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Cà Mau (ông Nguyễn Trường Sơn làm giám đốc) hơn 490 triệu đồng. Thanh tra cũng xác định bà Nhãn, ông Phong có dấu hiệu tham nhũng bởi ông Phong đã trực tiếp nhận tiền từ hai nhà thầu (30 triệu đồng từ ông Phương, 20 triệu đồng từ ông Sơn) theo chỉ đạo của sếp Nhãn.
Nhưng chưa được xử lý
Theo thanh tra tỉnh, việc quyết toán khống và nhận “lại quả” nêu trên có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định quản lý nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, cơ quan này chuyển hồ sơ và kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án hình sự.
Vậy nhưng cáo trạng truy tố (do VKS tỉnh ban hành vào tháng 8-2014) hoàn toàn không đề cập đến những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của bà Nhãn và ông Phong. Từ đó đến nay gần như không có một thông tin nào được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau chính thức đưa ra về những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của họ. Vào cuối năm 2014, tại kỳ họp HĐND tỉnh, các đại biểu đã đưa vấn đề này ra chất vấn nhưng cũng không nhận được câu trả lời thích đáng, ngoài câu trả lời đang xem xét xử lý do vụ việc phức tạp, cần thêm thời gian.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đối với kiến nghị khởi tố vụ án đã đề xuất trước đó. Mặc dù theo quy định, cơ quan CSĐT phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa là hai tháng đối với những vụ việc mà thanh tra đã chuyển hồ sơ đề nghị xử lý.
Trong khi đó, hơn một tuần qua, phóng viên cũng đặt vấn đề này với nhiều cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau song không nhận được câu trả lời chính thức nào. Phía Công an tỉnh Cà Mau đề nghị qua Ban Nội chính tỉnh Cà Mau. Liên hệ với ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Nội chính tỉnh Cà Mau thì ông nói đang bận nhiều việc nên liên hệ với bà Lê Thị Nhung, người phát ngôn của đơn vị. Tuy vậy, bà Nhung lại nói đã nhận được yêu cầu trả lời của Pháp Luật TP.HCM nhưng do bà đi công tác nên đã giao lại cho người khác. Tiếp tục tìm người này thì anh ta từ chối trả lời với lý do chưa nhận được chỉ đạo rõ ràng.
Vụ việc xảy ra từ đầu năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể từ cơ quan điều tra. Điều này càng khiến dư luận nghi ngờ những bê bối của bà Nhãn, ông Phong sẽ bị lãng quên…
Làm rõ bà Nhãn có nhận 575 triệu đồng không Tháng 8-2014, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm vụ án vu khống, đưa và nhận hối lộ tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, phạt bị cáo Nguyễn Trung Tâm 17 năm tù về tội nhận hối lộ (200 triệu đồng). Bị cáo Lê Thanh Phương (giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phương Nam, Cà Mau) bị phạt 15 năm tù về tội đưa hối lộ (200 triệu đồng) và ba tháng tù về tội vu khống (nói bà Chung Ngọc Nhãn, nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận hối lộ 575 triệu đồng). Gần cuối tháng 3-2015, TAND Tối cao hủy toàn bộ bản án, yêu cầu điều tra bổ sung. HĐXX cho rằng cần phải làm rõ bà Nhãn có nhận 575 triệu đồng như lời nhà thầu Phương nói hay không. Nếu không đưa mà nói có mới là vu khống. Năm 2011, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau được giao làm chủ đầu tư dự án trùng tu, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Năm Căn với tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Quá trình thực hiện đã xảy ra tiêu cực khiến dự án bị chậm trễ gần hai năm. |