Ngày 14-11-2008, cha mẹ ông Tô Thanh Bần đến Văn phòng công chứng (VPCC) Gia Định (quận 1, TP.HCM) lập di chúc với nội dung sau khi họ qua đời thì quyền thừa kế tài sản gồm nhà, đất tại huyện Bình Chánh thuộc về ông TND (một trong chín người con của ông bà). Tháng 6-2010, mẹ ông Bần qua đời, tháng 10-2013 cha ông cũng mất. Sau đó ông D. đã đi khai nhận di sản thừa kế theo bản di chúc và được công nhận.
Lòng vòng xác định bị đơn
Theo ông Bần, văn bản công chứng di chúc của VPCC Gia Định không khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông và các đồng thừa kế. Vì từ năm 2002 mẹ ông bị bệnh nhồi máu não, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Những người làm chứng di chúc không khách quan, khi ông khiếu nại thì VPCC chưa trả lời thỏa đáng.
Tháng 6-2013, ông Bần cùng hai người em khởi kiện yêu cầu TAND quận 1, TP.HCM tuyên bố văn bản công chứng di chúc của VPCC Gia Định là vô hiệu. Khi ông mang đơn đến nộp thì tòa hướng dẫn ông điều chỉnh lại đơn là khởi kiện đích danh trưởng VPCC thay vì kiện VPCC. Sau đó TAND quận 1 thụ lý vụ kiện tranh chấp về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, xác định bị đơn là trưởng VPCC Gia Định.
Ông Tô Thanh Bần đang trình bày sự việc. Ảnh: T.TÙNG
Tòa tổ chức hai phiên hòa giải vào tháng 7-2014 và tháng 5-2015 nhưng không thành. Cuối năm 2015, tòa mở phiên xử nhưng bị hoãn do giấy ủy quyền của ông trưởng VPCC cho người khác không có nội dung người này được tham gia phiên tòa.
Ngày 8-12-2015, tòa mở lại phiên xử nhưng cũng bị hoãn. Lý do là tại tòa phía nguyên đơn cho biết muốn khởi kiện VPCC như ban đầu. Tòa hoãn xử để thông báo cho nguyên đơn biết việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Sau khi được hướng dẫn, ông Bần đã gửi đơn khởi kiện bổ sung vào đầu năm 2016 nhưng đến nay tòa vẫn chưa xét xử lại. Ông Bần cho rằng tòa cố tình kéo dài thời gian nên mới đây đã gửi đơn tố cáo và yêu cầu thay đổi thẩm phán giải quyết vụ án…
Phải kiện văn phòng công chứng
Theo TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), đúng ra ngay từ đầu tòa phải xác định VPCC là bị đơn vì VPCC có từ hai công chứng viên trở lên là một công ty hợp danh, có tư cách pháp nhân. Giả sử phía nguyên đơn xác định sai bị đơn thì tòa cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn cho đúng, tránh việc vụ án bị kéo dài không cần thiết.
Thực tiễn xét xử có việc xác định bị đơn có sự nhầm lẫn giữa ba chủ thể là pháp nhân VPCC, trưởng VPCC và công chứng viên, người trực tiếp ký. Nhưng vụ này phải coi VPCC là bị đơn vì khi thực hiện công chứng thì VPCC là bên cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Công chứng viên hay trưởng VPCC cũng chỉ là một thành phần trong pháp nhân, được trả lương để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nếu xảy ra sai sót về nghiệp vụ khiến hợp đồng công chứng bị sai hoặc phát sinh trách nhiệm bồi thường thì VPCC phải chịu trách nhiệm. Khi bị kiện thì người đại diện theo pháp luật của VPCC (có thể là trưởng văn phòng hoặc người điều hành) tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn. Đây được coi là người của pháp nhân gây thiệt hại và phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng (nếu có).
Theo Trưởng VPCC Nhà Rồng TP.HCM Bùi Đức Cát, trong vụ án này, nếu hợp đồng bị hủy thì tức là bản di chúc cũng vô hiệu. Do đó phải xác định VPCC là bị đơn để xét tính hợp pháp của việc công chứng.
Khoản 1 Điều 33 Luật Công chứng (về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng) quy định VPCC phải quản lý công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề. Điều 38 luật này cũng quy định trách nhiệm bồi thường trong hoạt động công chứng. Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên hoặc nhân viên khác của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Nếu công chứng viên chứng sai mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi hoàn cho VPCC, nếu không VPCC có quyền khởi kiện tại tòa.