Ngày 7-8-2012, Vũ Xuân Trường lái xe khách biển số 18N-1617 chạy tuyến Nam Định - Vũng Tàu đến huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã gây ra một vụ tai nạn giao thông làm một người thiệt mạng, một người bị thương.
Được tại ngoại sau 15 ngày bị bắt
Theo hồ sơ, hôm sau, do có quen Hồ Đức Minh (con rể chủ quán cơm trên quốc lộ 1A ở xã Sông Phan, huyện Hàm Tân mà Trường thường ghé xe vào ăn cơm), vợ chồng Trường đã ghé quán cơm nhờ Minh “chạy án” cho nhẹ tội. Minh hứa sẽ giúp Trường hưởng án treo và cho biết chi phí “chạy án” là 200 triệu đồng. Vợ chồng Trường đồng ý, đưa trước cho Minh 50 triệu đồng.
Ngày 9-8-2012, Trường ra trình diện và bị Công an huyện Hàm Thuận Nam tạm giữ hình sự. Vợ Trường điện thoại thì Minh cho biết sau khi tạm giữ ba ngày, Trường sẽ được thả và yêu cầu đưa thêm 50 triệu đồng nữa. Khi Trường bị tạm giữ đến ngày thứ sáu, Minh gặp vợ Trường yêu cầu đưa thêm tiền và khẳng định chín ngày sau Trường sẽ được thả. Đúng chín ngày sau, Trường được tại ngoại và Minh đến cạnh trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Nam nhận đủ số tiền còn lại từ vợ chồng Trường.
Ngày 20-12-2012, Trường bị TAND huyện Hàm Thuận Nam phạt 18 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cho rằng mình bị lừa (không được hưởng án treo), Trường làm đơn tố cáo.
Địa điểm bên hông trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Nam, nơi sau khi tài xế Trường được tại ngoại đã đưa đủ tiền “chạy án” cho Minh. Ảnh: P.NAM
Tố qua tố lại
Ngày 11-4-2014, Minh bị Công an huyện Hàm Tân khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gia đình Minh sau đó đã trả lại 170 triệu đồng cho vợ chồng Trường.
Tại CQĐT Công an huyện Hàm Tân, Minh thừa nhận có nhận 200 triệu đồng của vợ chồng Trường. Số tiền này Minh trích ra đưa cho Phạm Hồng Sơn (một người mà Minh cho rằng có quen biết nhiều ở địa phương) 145 triệu đồng để “chạy án” và giữ lại 55 triệu đồng cho mình. Minh đã cung cấp hai điện thoại có nội dung tin nhắn trao đổi với ông Sơn về kế hoạch “chạy án” và các giấy chuyển tiền mà Minh đã chuyển cho ông Sơn qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi CQĐT triệu tập lấy lời khai và đối chất, ông Sơn phủ nhận, nói Minh chuyển tiền cho mình mượn làm ăn. CQĐT cho rằng không đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi tội phạm nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự ông Sơn.
Tháng 9-2015, TAND huyện Hàm Tân phạt Minh chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Minh kháng cáo đồng thời có đơn tố cáo là khi gây ra vụ tai nạn giao thông chết người, tài xế Trường đã sử dụng giấy phép lái xe giả. Theo Minh tố, sau khi xảy ra vụ tai nạn, Trường nhờ Minh thuê người có bằng lái đưa vào vụ án để nhẹ tội hoặc mua bằng lái giả để nộp cho CQĐT vì Trường không có bằng lái. Lập tức Minh gọi điện thoại cho ông Sơn và được ông Sơn đồng ý nên Minh mới nhận tiền của vợ chồng Trường...
Sau đó, VKSND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa xác minh bằng lái của Trường và cơ quan này có văn bản trả lời là Trường sử dụng bằng lái giả. Làm việc với CQĐT Công an huyện Hàm Tân, Trường cũng thừa nhận không có bằng lái. Bằng lái mà vợ Trường nộp cho CQĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam trong vụ tai nạn giao thông là do có người giúp đưa cho vợ Trường.
Xử phúc thẩm vụ lừa đảo của Minh, TAND tỉnh Bình Thuận đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Theo tòa, những tài liệu như điện thoại, giấy chuyển tiền mà Minh cung cấp cho CQĐT có xác minh nhưng chưa đầy đủ nên cần điều tra lại để tránh bỏ lọt tội phạm.
Sau đó, Minh gửi đơn đến Công an huyện Hàm Thuận Nam tố cáo tài xế Trường dùng giấy phép lái xe giả để qua mặt các cơ quan tố tụng huyện này. Minh đề nghị các cơ quan tố tụng kháng nghị bản án trong vụ tai nạn giao thông và tăng nặng hình phạt đối với Trường. Ngày 30-5-2016, Công an huyện Hàm Thuận Nam có văn bản trả lời rằng không thu giữ được vật chứng là bằng lái giả của Trường do Trường khai sau khi nhận lại đã làm mất. Do đó, cơ quan công an không thể trưng cầu giám định để có đủ cơ sở pháp lý kết luận Trường sử dụng bằng lái giả lừa dối các cơ quan tố tụng và không có căn cứ để kháng nghị bản án...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm Hồ sơ vụ án cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng mà các cơ quan tố tụng đã vi phạm, bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, Trường không có bằng lái nhưng vẫn lái xe gây tai nạn giao thông chết người. Đúng ra Trường phải bị xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định, khung hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù) nhưng các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Nam lại chỉ xử lý Trường theo khoản 1 Điều 202 BLHS (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm) là áp dụng sai khung hình phạt. Ngoài ra, chứng cứ xác minh của VKSND tỉnh Bình Thuận và văn bản trả lời của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã quá rõ ràng nhưng Công an huyện Hàm Thuận Nam lại trả lời không đủ cơ sở pháp lý kết luận Trường sử dụng bằng lái giả lừa dối các cơ quan tố tụng là bỏ lọt tội phạm. Đối với số tiền “chạy án”, đây là khoản tiền vợ chồng Trường đưa nhằm mục đích hối lộ để giảm nhẹ tội nên cần phải bị tịch thu sung công theo quy định. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án lừa đảo, CQĐT lại tạo điều kiện cho gia đình Minh giao cho vợ chồng Trường 170 triệu đồng nhằm khắc phục hậu quả là không đúng. Luật sư PHAN MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM |