Yêu Sài Gòn có những hàng cây trăm tuổi

Cách đây hơn hai năm, đi dạo dọc dưới hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng, băng qua các cung đường Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, rồi đến Nhà Hát Lớn Thành phố, tôi có dịp huyên thuyên nhiều điều về Sài Gòn với vài sinh viên đến từ Đại học Loyola Chicago, Mỹ.

Hàng cây đường Tôn Đức Thắng (Ảnh: Zing) 

Sinh viên Việt Nam chúng tôi thường tự hào “khoe” với bạn bè nước ngoài về thành phố xanh – điều mà nhiều nước phát triển nhìn vô phải thèm khát có được. Có ít ỏi gì đâu, cả trăm năm, biết bao mùa mưa bão và sự sàng lọc khắc nghiệt của thiên nhiên mới còn “ngần ấy cây xanh”. 

Những hàng cây xanh um, thẳng tắp, cao chót vót đã trải qua bao thăng trầm cùng thành phố từ trăm năm nay vẫn phủ bóng mát cho những dòng người Sài Gòn tấp nập, lũ lượt mưu sinh mỗi ngày.

Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn là một bài toán có nhiều đáp án. Mai này những tòa nhà cao ốc, những con đường cao tốc, những chiếc cầu nối liền "những bờ vui" sẽ mọc lên thay thế những hàng cây cổ thụ trăm năm. Chúng tôi thấy vui đấy, mừng đấy vì đất nước đang "đổi đời". Nhưng cũng lo rằng chẳng biết Sài Gòn có còn tồn tại lại những "minh chứng sống trăm năm nào" để chúng tôi còn tự hào khoe, kể cho bạn bè quốc tế?

Thiếu cây xanh: du khách “bị thiêu” trên đất Thái 

Không ít lần chúng tôi được nghe các bạn sinh viên nước ngoài bày tỏ sự “ấn tượng” với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát ngoài Sài Gòn. Có lần hàng chục sinh viên Thái Lan vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, dọc theo cung đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ… thẳng đến trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, rồi cùng chúng tôi dạo bộ đến Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, họ khen “Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cây to, đẹp và mát quá! Trong khi Bangkok lại thật kinh khủng khi nhắc đến cây cối”.

Người Sài Gòn vốn quen bóng mát của những cung đường xanh nên cũng chẳng lấy làm lạ. Nhưng nếu đến Thủ đô Bangkok một lần, thì ai nấy sẽ đều hiểu sự thấm thía của người Thái khi khen những hàng cây ở Sài Gòn.
Thái Lan vốn nổi tiếng với ngành du lịch “nụ cười”, với những trung tâm mua sắm, thương mại sầm uất bậc nhất nhì Đông Nam Á. Họ đẩy mạnh quy hoạch các tuyến đường trên không, những cây cầu vượt dài tít tắp và dựng lên những tòa nhà chọc trời. Nhưng đến Bangkok, du khách sẽ cảm giác cái không khí “hừng hực” như kiểu chạy xe máy trên Xa lộ Hà Nội (TP.HCM) vào những buổi trưa hè, với cái nóng oi bức trên 30 độ C thường trực.
Quy hoạch hạ tầng quá nhanh, thiếu tính toán về mặt cân bằng sinh thái khiến Bangkok trả giá. Chính sinh viên Thái phải thừa nhận rằng thành phố du lịch này như một “khối bê tông”. Nhiều khách sạn, nhà hàng tại Thái phải tận dụng sân thượng, mái nhà…để phủ cây cỏ mong “cứu vớt” được chút không khí mát lành – thứ không khí mà sinh viên Thái chỉ có thể tận hưởng thỏa thích trong những ngày dạo bộ, mua sắm cùng chúng tôi trên những cung đường Sài Gòn, hoặc uống cà phê bệt ngoài trời dưới những hàng cây giữa lòng thành phố.
Điều khiến tôi đau đáu mãi trong những ngày ở Bangkok đó là: dù quy hoạch hạ tầng, mở cao tốc, cầu vượt, tòa nhà thương mại… nhưng nạn kẹt xe vẫn còn là nỗi ám ảnh của đất nước chùa tháp này. Một giáo sư tại trường đại học Thamasat (Thái Lan) từng tâm sự bên lề một chương trình Hội thảo Hợp tác Công nghiệp ASEAN với chúng tôi: “điều sai lầm của nhiều quốc gia đang phát triển là đánh đồng giữa việc đầu tư hạ tầng và giải quyết những vấn nạn, bức xúc của xã hội. Nếu nghĩ rằng xây cầu, mở đường là giải quyết nạn kẹt xe thì chúng ta chỉ mới nhìn thấy một phần nhỏ của cả một bức tranh lớn”. 
Học cách “nhường nhịn” thiên nhiên
Một lần tôi đọc một câu chuyện của một kiến trúc sư người Việt nói về “nhường nhịn thiên nhiên”. Đại loại ông ấy nói rằng những công trình kiến trúc, hạ tầng nên cân nhắc đến chuyện “né” các yếu tố mang tính “phá hủy” tự nhiên. Ông ấy làm tôi nhớ đến những con đường vòng quanh các khu đồi vùng ngoại ô thành phố Mie C (Nhật Bản) – tốn kém nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực của con người đến môi trường sinh thái. 


 Thị trấn Setenil de las Bodegas thuộc tỉnh Cádiz ở Tây Ban Nha "nhường nhịn thiên nhiên" hết mực

Người Nhật, sau những năm tháng công nghiệp hóa dữ dội hậu Thế chiến thứ II, đã thấm thía bài học “nhường nhịn tự nhiên” hơn bao giờ hết. Thế nên họ đã và đang ra sức phục hồi lại những con sông – những “vùng chết” trước đó bị họ khai thác, tác động quá mức. 

Dạo vòng quanh các con phố tại Kyoto (Nhật Bản), không khó phát hiện ra những hàng cây cao hai bên nhiều tuyến đường. Các con phố tại đây cũng không mở rộng chừa đất sống cho cây cối và sinh vật tự nhiên. Thậm chí để tăng cường sự điều hòa không khí cho thành phố, Tokyo còn tạo ra các cồn đất nhân tại giữa các khu vực “sông chết” để tạo thành các cù lao cây xanh bạt ngàn...

 

Sẽ còn đốn hạ nhiều cây xanh

Nằm trong kế hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn, hàng cây cổ thụ trăm tuổi nằm trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1 – TP.HCM) sắp tới sẽ bị đốn hạ. 

Trong khi đó, khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng vừa cho hay có kế hoạch đốn bỏ khoảng 215 cây xanh trên dọc đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (Quận 2 – TP.HCM) trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực này. Thời gian đốn cây trên tuyến đường này sẽ kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 10/2014. Theo đó, năm nay sẽ đốn 50 cây, năm 2015 đốn 100 cây và năm 2016 đốn 65 cây. 
Đó là chưa tính đến ngoài 51 cây xanh đã bị bứng, đốn để làm nhà ga trước Nhà hát Thành phố, năm 2015 sẽ có 57 cây xanh tại góc công viên 23-9, đoạn gần chợ Bến Thành tiếp tục bị chặt hạ để làm nhà ga.

* Bài viết đơn thuần thể hiện góc nhìn, trải nghiệm và quan điểm riêng của tác giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới