Yếu tố Nga phủ bóng hội nghị hòa bình Ukraine

(PLO)- Hội nghị hòa bình Ukraine vừa kết thúc bằng một thông cáo chung với sự nhất trí của đa số, dù vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi của hội nghị khi ảnh hưởng của Nga đến các bên tham gia vẫn rất lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-6, sau hai ngày thảo luận, Hội nghị hòa bình Ukraine kết thúc bằng một thông cáo chung với sự đồng thuận của hơn 80 trong số khoảng 100 phái đoàn tham dự hội nghị.

Thông cáo chung hướng tới chấm dứt xung đột

Thông cáo chung ngày 16-6 được 78 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế (gồm Ủy hội châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu) thông qua với mục tiêu tìm ra con đường hướng tới chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, theo đài CNN.

Văn kiện nhất trí rằng Hiến chương Liên hợp quốc và việc “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” là “cơ sở để đạt được nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.

Yếu tố Nga phủ bóng hội nghị hòa bình Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và đại diện các quốc gia khác tham dự phiên họp toàn thể của Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ ngày 16-6. Ảnh: REUTERS

Thông cáo chung tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”, tôn trọng phạm vi biên giới của quốc gia được quốc tế công nhận.

Bên cạnh đó, thông cáo chung kêu gọi đưa Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (tỉnh Zaporizhia, miền nam Ukraine) nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine, đảm bảo việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn ở Ukraine, đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ của Ukraine ở các cảng biển trên Biển Đen và Biển Azov, thả tất cả tù nhân chiến tranh và đưa trẻ em Ukraine về nước.

Chính phủ Ukraine cho rằng 19.546 trẻ em đã bị Nga buộc phải di dời khỏi Ukraine. Ủy viên về quyền trẻ em của Điện Kremlin - bà Maria Lvova-Belova trước đó đã xác nhận rằng khoảng 2.000 trẻ em đã bị đưa khỏi các trại trẻ mồ côi ở Ukraine, theo hãng tin AP.

Văn kiện cũng tuyên bố bất kỳ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến đều không được chấp nhận. Các cuộc tấn công vào tàu và cảng dân sự cũng không được chấp nhận.

“Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên. Do đó, chúng tôi quyết định thực hiện các bước cụ thể trong tương lai trong các lĩnh vực nêu trên với sự tham gia sâu hơn của đại diện tất cả các bên” - theo thông cáo chung tại hội nghị hòa bình Ukraine.

Phát biểu bế mạc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông hài lòng với kết quả hội nghị và hy vọng các điểm trong thông cáo sẽ đạt được “càng sớm càng tốt”.

“Chúng tôi sẽ chứng minh cho mọi người trên thế giới thấy rằng Hiến chương Liên hợp quốc có thể thực hiện một cách hiệu quả đầy đủ” - ông Zelensky nói, đồng thời cho biết hội nghị hòa bình Ukraine lần thứ hai sẽ được tổ chức sau khi có kế hoạch hành động cụ thể cho thông cáo ngày 16-6.

Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên. Do đó, chúng tôi quyết định thực hiện các bước cụ thể trong tương lai trong các lĩnh vực nêu trên với sự tham gia sâu hơn của đại diện tất cả các bên” - theo thông cáo chung tại hội nghị hòa bình Ukraine.

Ảnh hưởng của Nga phủ bóng chương trình nghị sự

hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-1.jpg
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ ngày 15-6. Ảnh: REUTERS

Giới phân tích cho rằng kết quả hội nghị sẽ khó ảnh hưởng cuộc chiến tại Ukraine vì chương trình nghị sự của hội nghị còn khá khiêm tốn và hội nghị không có sự tham dự của Nga.

Cụ thể, trọng tâm tại hội nghị chỉ tập trung vào ba điểm trong công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky, đó là: An toàn hạt nhân; an ninh lương thực; trao trả tù nhân chiến tranh và trẻ em Ukraine.

Hội nghị không đề cập tương lai các khu vực lãnh thổ Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập hay triển vọng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn là những vấn đề chính trong căng thẳng Nga - Ukraine.

Trước thềm hội nghị hòa bình về Ukraine tại Thụy Sĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề ra lập trường của Nga về điều kiện ngừng bắn, trong đó khẳng định điều kiện cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào là Kiev phải rút quân khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập, đồng thời cam kết không gia nhập NATO.

Bình luận về động thái của Nga, ông Zelensky cho rằng việc ông Putin chọn thời điểm trước khi hội nghị bắt đầu để công bố điều kiện ngừng bắn đã đem lại lợi thế cho Ukraine. “Một số quốc gia đã thay đổi quyết định sau ‘tối hậu thư’ của ông Putin. Những sai lầm của đối phương cũng là thành công đối với chúng tôi” - tờ Politico dẫn lời ông Zelensky.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng của Nga thực sự đã phủ bóng lên hội nghị. Phần lớn các nước không ký kết thông cáo chung như Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đều có mối quan hệ thương mại quan trọng với Nga với tư cách là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Ngoài ra, nhiều nước không ủng hộ hội nghị và đã có hướng đi riêng để tìm kiếm hòa bình cho cuộc chiến. Chẳng hạn, Brazil tham dự hội nghị vừa qua với tư cách quan sát viên và không tán thành thông cáo chung. Brazil cũng đang hợp tác với Trung Quốc để tìm cách vạch ra những con đường khác đi đến hòa bình. Trong khi đó, Thủ tướng Qatar - ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani - hôm 15-6 nói rằng Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán với cả phái đoàn Ukraine và Nga về việc đưa trẻ em Ukraine đoàn tụ với gia đình.

“Một số bên đã không ký vào thông cáo chung vì họ đang chơi trò chơi ‘Hòa bình dựa trên những nhượng bộ’ và điều này thường có nghĩa là Ukraine sẽ nhượng bộ và về cơ bản là đáp ứng các yêu cầu của Nga. Họ cũng thích cách ứng xử ‘trung lập’ kiểu này” - ông Volodymyr Dubovyk, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA, trụ sở Mỹ) nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng con đường phía trước cho Ukraine là nhận viện trợ (vũ khí và hỗ trợ nhân đạo) để cải thiện tình hình trên chiến trường, từ đó có được vị thế đàm phán tốt hơn.

Ukraine vạch kế hoạch hậu hội nghị hòa bình

Sau khi hội nghị hòa bình Ukraine kết thúc, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết bộ trưởng và cố vấn của nhiều quốc gia sẽ tổ chức các cuộc họp tiếp theo về các vấn đề đã đồng thuận trong thông cáo chung, tờ Kyiv Independent đưa tin.

“Các bước tiếp theo là tổ chức các cuộc đàm phán theo chủ đề về từng hạng mục ở cấp bộ trưởng và cố vấn” - ông Ihor Zhovka, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, viết trên Facebook.

Theo ông Zhovka, sau khi các cuộc đàm phán kết thúc “sẽ tiến tới hội nghị thượng đỉnh thứ hai nhằm đặt nền móng cho nền hòa bình lâu dài và công bằng”.

Nga chưa bình luận về thông cáo chung của hội nghị nhưng Điện Kremlin ngày 16-6 đã kêu gọi Ukraine xem xét đề xuất ngừng bắn của Tổng thống Putin vì tình hình chiến trường sẽ ngày càng xấu đi đối với Kiev, theo đài RT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm