Yếu tố Trung Quốc sau cuộc tập trận tác chiến tàu ngầm của hải quân Anh, Nhật

Tờ South China Morning Post ngày 6-10 đưa tin hải quân Nhật, Anh mới đây đã lần đầu tiến hành một cuộc tập trận tác chiến tàu ngầm chung, động thái được giới phân tích nhận định là có liên quan yếu tố Trung Quốc.

Cuộc tập trận kéo dài hai ngày, được tổ chức ở vùng biển của Nhật hồi tháng 9, được cho là có sự tham gia của HMS Artful - tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại của Anh hiện đang tham gia sứ mệnh triển khai đến châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth.

Yếu tố Trung Quốc đằng sau cuộc tập tác chiến tàu ngầm của hải quân Anh, Nhật. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Anh, Nhật chưa xác nhận tàu ngầm nào đã tham gia cuộc tập trận. Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, HMS Artful hồi tháng 8 đã cập cảng Busan để thực hiện tiếp liệu, cho thấy sự hiện diện sớm hơn của tàu ngầm lớp Astute này trong khu vực.

Về phần mình, Nhật có khả năng nhằm kiểm tra khả năng của các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Soryu - được coi là một trong những tàu tàng hình nhất thế giới – so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với kích thước lớn hơn của Anh, vốn không thường xuyên phải nổi lên mặt nước như các tàu lớp Soryu của Tokyo.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết mục tiêu của đợt tập trận nhằm “nâng cao kỹ năng tác chiến” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của nước này, “tăng cường hợp tác” với Hải quân Hoàng gia Anh, và hiện thực hóa “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tuy các chi tiết khác không được tiết lộ, song theo các nhà phân tích quân sự, các cuộc tập trận như vậy thường liên quan việc các tàu chiến phối hợp với một tàu ngầm để bảo vệ mục tiêu - như một đoàn tàu - trong khi một tàu ngầm khác "tấn công", hoặc các tàu ngầm phối hợp để tuần tra, theo dõi và tiến hành cuộc tấn công giả định vào mục tiêu.

Thách thức từ tàu ngầm Trung Quốc

South China Morning Post dẫn lời ông Garren Mulloy - giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Daito Bunka ở Tokyo – nhận định kinh nghiệm chiến tranh chống tàu ngầm của Nhật có thể bắt nguồn từ các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào tàu chiến của Tokyo trong Chiến tranh thế giới thứ II, thông qua việc theo dõi các tàu của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, điều mà ông cho rằng Nhật đã làm "rất tốt".

“Nhưng mối quan tâm trước mắt hơn bây giờ là mối đe dọa từ năng lực tàu ngầm ngày càng tăng của Trung Quốc” – ông Mulloy cho hay.

Yếu tố Trung Quốc đằng sau cuộc tập tác chiến tàu ngầm của hải quân Anh, Nhật. Ảnh: SCMP

Hồi tháng 9, Nhật cho biết Lực lượng Phòng vệ của nước này đã phát hiện một tàu khu trục và tàu ngầm tình nghi của Trung Quốc ngay bên ngoài lãnh hải Nhật ngoài khơi đảo Amami Oshima, về phía đông bắc của tỉnh Okinawa.

Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Nhật cũng lần đầu tiên cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế liên quan các hoạt động của Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi).

Theo South China Morning Post, những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông và hợp tác chặt chẽ với Hải quân Mỹ trong các cuộc diễn tập quân sự trên biển.

Các cuộc tập trận tác chiến tàu ngầm hồi tháng 9 với Anh được tiếp nối từ cuộc tập trận hải quân chung mà hai nước tổ chức hồi tháng 8 ở vùng biển ngoài khơi Okinawa - khi đó được coi là gửi một “thông điệp mang tính biểu tượng” tới Trung Quốc.

Theo ông Mulloy, năng lực của các tàu ngầm Trung Quốc không bằng các tàu ngầm của Mỹ, Anh hay Nhật, lý giải rằng “chúng vẫn dựa trên các thiết kế cũ từ thời Liên Xô, không tàng hình và tương đối dễ phát hiện”.

“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Bắc Kinh sẽ cải thiện được bao nhiêu trong một thập niên nữa hoặc lâu hơn” – ông Mulloy lưu ý.

Theo ông, tuy Trung Quốc hiện tập trung nhiều hơn vào “số lượng hơn chất lượng” đối với tàu ngầm, song Bắc Kinh “đang nỗ lực nâng cấp thiết bị, thủy thủ đoàn và các phương tiện hỗ trợ”.

“Nếu các thủy thủ đoàn và sự hỗ trợ được đẩy mạnh trong thời gian tới, họ sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc chuyển đổi sang các tàu ngầm mới hơn, có năng lực hơn ngay khi có điều kiện” – ông Mulloy nói thêm.

Trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông, Bộ Quốc phòng Anh mô tả Nhật là “một trong những đối tác chiến lược thân cận nhất của chúng tôi” và nói rằng “khả năng tích hợp quân sự với các đồng minh và đối tác” là “dấu ấn” trong việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này.

Trong khi đó, ở một diễn biến nổi bật khác, quân đội Mỹ hôm 3-10 đã lần đầu tiên hạ cánh thành công hai máy bay phản lực F-35B với khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) trên tàu chiến lớn nhất của Nhật, tàu khu trục trực thăng JS Izumo.

"Cuộc diễn tập này đã chứng minh rằng tàu Izumo, trước đây được gọi là tàu sân bay trực thăng, “có khả năng hỗ trợ STOVL của máy bay trên biển, điều này sẽ cho phép chúng tôi cung cấp thêm một lựa chọn để phòng không ở Thái Bình Dương” - Chuẩn Đô đốc Shukaku Komuta của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật cho biết trong một tuyên bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới