Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Khâu Quốc Chính – người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan – ngày 6-10 cho rằng Trung Quốc đại lục sẽ có khả năng tiến hành một cuộc “tấn công tổng lực” vào Đài Loan vào năm 2025.
Ông Khâu cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột xuyên eo biển trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực, với việc Bắc Kinh điều 150 máy bay chiến đấu để gia tăng sức ép lên hòn đảo trong vài ngày qua.
Đài Loan: Trung Quốc có khả năng 'tấn công tổng lực' hòn đảo này vào năm 2025. Ảnh: AFP
“Đó là tình huống khó khăn nhất mà tôi từng chứng kiến trong hơn 40 năm trong cuộc đời quân ngũ của mình” – ông Khâu nói, đề cập sự gia tăng đột biến các vụ xâm nhập của không quân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.
Theo ông, vào năm 2025, Bắc Kinh có thể giữ chi phí của cuộc xung đột như vậy ở mức tối thiểu, đồng nghĩa với việc nước này sẽ có “đầy đủ nặng lực” để bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng cần phải xem xét các yếu tố khác nhau trước khi làm như vậy.
Theo South China Morning Post, phát ngôn trên được ông Khâu được đưa ra tại một phiên họp của cơ quan lập pháp để xem xét khoản ngân sách đặc biệt trị giá 8,6 tỉ USD để mua vũ khí sản xuất nội địa. Việc mua bán cần có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp và sẽ nằm trong khoảng ngân sách quân sự là 16,9 tỉ USD theo kế hoạch cho năm tới.
Trả lời câu hỏi của các nhà lập pháp về khả năng Bắc Kinh tấn công trên mọi mặt trận, ông Khâu cho hay: “Trung Quốc hiện đã có năng lực làm như vậy, nhưng họ cần phải suy nghĩ về chi phí và hậu quả của việc bắt đầu một cuộc chiến”.
Về rủi ro, ông Khâu cho rằng tình hình đã đến mức mà một đánh giá sai lầm có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn.
Theo ông, trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ đối phương, Đài Loan cần khẩn cấp tăng cường năng lực phòng thủ bằng cách mua thêm vũ khí.
“Chúng tôi không bao giờ có ý định chạy đua vũ trang [với Bắc Kinh] bởi vì chúng tôi không có [tài chính] và khả năng để làm như vậy” - ông Khâu nói, đồng thời cho biết thêm những gì Đài Loan có thể làm là khiến Bắc Kinh đánh giá hậu quả của một cuộc xung đột với hòn đảo.
Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, khoản ngân sách đặc biệt trị giá 8,6 tỉ USD sẽ được chi trong năm năm tới, và phần lớn sẽ dành cho vũ khí hải quân. Khoảng 64% số tiền sẽ được chi cho vũ khí chống hạm như hệ thống tên lửa đất đối đất, gồm cả kế hoạch trị giá 5,3 tỉ USD để sản xuất hàng loạt tên lửa nội địa và tàu “hiệu suất cao”.
Theo kế hoạch, các tên lửa trong danh sách mua sắm bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm ven biển, tên lửa đất đối không Tien Kung III (Sky Bow III), hệ thống máy bay không người lái tấn công, hệ thống tên lửa Wan Chien (Thousand Swords) và Hsiung Feng IIE (Brave Wind).
Một số nguồn kinh phí bổ sung cũng sẽ được sử dụng để mua thêm 10 tàu hộ tống tên lửa tàng hình Ta Jiang - được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” - sau khi hải quân đưa vào hoạt động chiếc đầu tiên vào tháng trước.
Về việc liệu Đài Loan có thành công trong việc phát triển tên lửa Yun Feng - có tầm bắn 1.200 km, được đánh giá có thể đưa các khu vực nội địa của Trung Quốc đại lục vào tầm ngắm, ông Khâu cho biết Đài Loan đang làm việc cực lực.
Ông Khâu cho biết Đài Loan không được dựa vào bên khác để đảm bảo an ninh và phải có khả năng "tự mình chống lại sự xâm lược" từ đối phương.