Khả năng ông Biden sẽ dùng 'cây gậy và củ cà rốt' về thương mại với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-10, phát biểu trong một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đề cập một số nội dung đáng chú ý trong chính sách thương mại thời gian tới của Mỹ đối với Trung Quốc (TQ), tờ South China Morning Post đưa tin.

Bà Tai cho hay sau nhiều tháng đánh giá, chính quyền Tổng thống Joe Biden kết luận thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên ký kết hồi tháng 1-2020 vẫn chưa giải quyết triệt để những lo ngại về các hành vi bất bình đẳng thương mại của TQ, đồng thời đánh giá Bắc Kinh cũng chưa thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận. Thời gian tới chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng triển khai tất cả công cụ sẵn có và tìm hiểu khả năng phát triển những công cụ mới để tự bảo vệ trước những thiệt hại do sự cạnh tranh không lành mạnh của TQ gây ra. Bà Tai dự định sẽ tiến hành một số cuộc trao đổi “thẳng thắn” với người đồng cấp TQ trong những ngày tới, trong đó có nội dung thảo luận về việc TQ phải thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: AP

Theo giới chuyên gia, phát ngôn của bà Tai cho thấy chính quyền ông Biden không quá khác biệt so với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump về quan điểm TQ là mối đe dọa về kinh tế và an ninh ngày càng lớn. Do vậy, GS George Magnus thuộc ĐH Oxford (Anh) đánh giá chính quyền ông Biden nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” nhằm tăng ảnh hưởng trong việc đối phó với TQ.

“Những vấn đề thương mại căng thẳng chẳng hạn như việc xem xét sự tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1 của TQ, đóng vai trò như “cây gậy” và việc đánh giá quá trình dỡ bỏ một số loại thuế đóng vai trò như “củ cà rốt”. Ông ấy vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các hàng rào thuế quan lên hàng TQ chừng nào Bắc Kinh vẫn còn chưa chịu khuất phục” - ông Magnus nhận định.

Ngoài các loại thuế quan, Tổng thống Biden cũng sẽ có thể duy trì các biện pháp hạn chế đối với việc các công ty TQ tiếp cận công nghệ Mỹ, đồng thời mở rộng danh sách các quan chức TQ bị trừng phạt liên quan đến vấn đề Hong Kong.

Dù vậy, đứng từ một khía cạnh khác, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Phúc Đán (TQ) Wu Xinbo cho rằng việc Mỹ mất gần chín tháng để đánh giá chính sách thương mại với TQ đã bộc lộ những hạn chế nhất định của chính quyền ông Biden.

“Sự trì hoãn cho thấy dấu hiệu có sự chia rẽ bên trong chính quyền ông Biden khi một bên coi những biện pháp thuế quan gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ và bên kia vẫn coi thuế quan là một công cụ hữu hiệu” - theo ông Xinbo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm