‘Yêu’ trẻ chậm phát triển về tâm thần, tội gì?

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo xin đổi tội danh, y án 14 năm tù đối với Lữ Vũ Hải về tội hiếp dâm trẻ em.

Luật sư tranh cãi với kiểm sát viên

Vụ án này từng gây nhiều tranh cãi về tội danh của Hải. Theo hồ sơ, năm 2006, Hải đến ở nhờ nhà anh A. tại huyện Tân Hưng (Long An) để đi học phổ thông. Được một năm, Hải đi nơi khác ở nhưng vẫn hay lui tới nhà anh A. chơi và quen cháu C. (SN 1998, con gái anh A.).

Tháng 2-2014, Hải đến nhà anh A. để đi phụ ghe cào cá thuê và ngủ lại đây. Hai ngày sau, do ghe cào cá bị bắt, không đi làm nên anh A. tổ chức ăn nhậu tại nhà. Khi đã say, vợ chồng anh A. ngủ tại ván phòng khách. Còn Hải ngồi băng ghế đá trước hiên nhà thì thấy cháu C. đang đứng ở phòng ngủ. Hải liền đi vào phòng, cả hai ngồi trên nệm ôm hôn nhau rồi... Những ngày sau, Hải lại cùng cháu C. làm chuyện người lớn thêm ba lần nữa.

Hải ở nhà anh A. được khoảng một tháng thì đi làm thuê ở Đồng Nai. Đến tháng 6-2014, phát hiện con gái có dấu hiệu lạ, vợ anh A. đưa đi khám thì biết cháu đã mang thai hơn 17 tuần. Từ đó gia đình cháu C. đã làm đơn tố cáo Hải ra cơ quan công an.

Theo kết quả giám định, Hải là cha ruột của đứa bé mà cháu C. sinh ra. Cạnh đó, tổ chức giám định còn kết luận cháu C. “bị chậm phát triển tâm thần ở mức độ vừa, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

VKSND tỉnh Long An truy tố Hải về tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 3 Điều 112 BLHS (mức án từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Long An, kiểm sát viên lập luận dù cháu C. đã trên 13 tuổi nhưng không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hải đã nhiều lần “quan hệ” làm cháu mang thai và sinh con nên phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Ngược lại, luật sư của Hải không đồng tình, cho rằng bị cáo chỉ phạm tội giao cấu với trẻ em theo khoản 2 Điều 115 BLHS (mức án từ ba năm tù đến 10 năm tù). Theo luật sư, qua quá trình điều tra đã thể hiện nạn nhân có khả năng nhận thức hành vi. Đồng thời, VKS truy tố dựa vào kết luận giám định tâm thần là không có căn cứ vì đây không phải là quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyên bố cháu C. mất năng lực hành vi.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An đồng tình với đại diện VKS và phạt Hải 14 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND Cấp cao tại TP.HCM, vấn đề tranh cãi này cũng được nhắc lại nhưng HĐXX đồng tình với tòa sơ thẩm nên y án.

Tòa và VKS cũng bất đồng

Một vụ “quan hệ” với trẻ em chậm phát triển về tâm thần khác cũng từng gây nhiều tranh cãi về tội danh là vụ của Đặng Thanh Việt (ngụ thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Theo hồ sơ, năm 2000, Việt sống chung như vợ chồng với chị TTH và hai con chung. Đến năm 2010, chị H. đưa con gái riêng của chị (SN 1996) về sống chung. Sau đó, Việt đã lợi dụng sự chậm phát triển về tâm thần của con gái riêng của chị H. để nhiều lần giở trò đồi bại.

CQĐT xác định nạn nhân bị xâm hại bốn lần, lần đầu trong lúc Việt say rượu, ba lần sau khi cháu đem cơm cho Việt lúc Việt đang đi chăn bò. Đầu tháng 3-2011, bà ngoại cháu phát hiện cháu mang thai và hỏi ra sự việc nên báo công an.

Theo kết quả giám định, cháu gái nạn nhân bị chậm phát triển tâm thần nhẹ (kết quả giám định còn ghi nhận nạn nhân “không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự” trong khi điều này chỉ có trong việc giám định tâm thần với nghi can - NV).

Việt bị khởi tố, truy tố về tội hiếp dâm trẻ em nhưng xử sơ thẩm hồi tháng 6-2013, TAND tỉnh Đồng Tháp đã phạt Việt chín năm tù về tội giao cấu với trẻ em vì cho rằng người bị hại đã trên 15 tuổi và tự nguyện cho bị cáo “quan hệ”, không có sự ép buộc, uy hiếp hay dụ dỗ. Sau đó, VKS tỉnh này kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm xử Việt về tội hiếp dâm trẻ em và tăng án lên thành 20 năm tù vì theo kết luận giám định, bị cáo xâm hại khi nạn nhân trong tình trạng mất năng lực hành vi nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại phiên xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM hồi tháng 10-2015, luật sư của Việt cho rằng người bị hại chỉ bị hạn chế tâm thần nhẹ chứ không rõ có đủ năng lực hành vi hay không.

Theo tòa phúc thẩm, giám định tâm thần pháp y có sự mâu thuẫn. Tại phiên xử sơ thẩm, nạn nhân khẳng định sức khỏe bình thường và tòa sơ thẩm đã nghi ngờ kết quả giám định không chính xác. Lẽ ra tòa sơ thẩm phải trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung thì mới đủ cơ sở để xác định tội danh của bị cáo nhưng lại không làm. Từ đó, tòa phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Tội hiếp dâm trẻ em là chính xác?

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một số luật sư cho rằng nếu xét theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì chỉ nên xử những trường hợp thuận tình “quan hệ” với người trên 13 tuổi chậm phát triển tâm thần về tội giao cấu với trẻ em. Các luật sư này lập luận: Khi thực hiện hành vi, bị cáo khó biết được nạn nhân bị tâm thần vì nó là dạng nhẹ, trừ khi hiểu biết rất rõ về gia cảnh của nạn nhân. Nạn nhân có bị tâm thần hay không, bệnh đến mức nào còn phải qua giám định mới có thể kết luận được chứ sao người bình thường có thể nhận thức ra...

Không đồng tình, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) khẳng định việc xử lý những trường hợp trên về tội hiếp dâm trẻ em là chính xác. Bởi lẽ nạn nhân trong các vụ án này đều không có khả năng tự bảo vệ mình. Họ đã bị các bị cáo lợi dụng sự ngờ nghệch, chậm phát triển của họ để xâm hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới