Nghị định 46/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (gọi tắt là Nghị định 46) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2019. Nhiều luật sư đã nêu ý kiến về nghị định này.
Thế nào là khiêu dâm trong hoạt động thể thao?
Điều 7 Nghị định 46 quy định: Hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Điều khoản trên là sự cụ thể hóa chế tài đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao quy định tại Điều 10 Luật Thể dục, thể thao.
Hiện nay, khái niệm “khiêu dâm” đã được đề cập tại một số văn bản. Cụ thể như khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có định nghĩa: “Khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 46/2019 thì Nghị định 158/2013 cũng đã có quy định xử phạt đối với hành vi “khiêu dâm trong thể thao”. Tuy nhiên, qua sáu năm triển khai thi hành thì chưa thấy có trường hợp nào bị xử phạt.
Để có sự áp dụng pháp luật thống nhất, Chính phủ và Bộ VH-TT&DL cần có những hướng dẫn cụ thể thế nào là “luyện tập, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm” để người tập luyện, tham gia thể thao biết mà loại trừ sai phạm.
TS CAO VŨ MINH, ĐH Luật TP.HCM
Theo giải thích của phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, người bơi lội trong tình trạng khỏa thân hoàn toàn có thể bị xem là khiêu dâm. Ảnh: CÔNG TUẤN
Cần minh định rõ đối tượng xử lý
Theo quy định của Luật Thể dục, thể thao thì có hai nhóm lớn là thể dục thể thao cho mọi người, thể dục thể thao thành tích cao.
Thể dục, thể thao quần chúng (thể thao cho mọi người) là hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao tự nguyện nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người tập, thuộc nhóm thể thao cho mọi người (theo khoản 1a Điều 11 Luật Thể dục, thể thao).
Nghị định 46 chủ yếu chỉ quy định về xử lý vi phạm trong “thể thao”, không đề cập đến “thể dục”. Vì thế cần có hướng dẫn rõ hơn về đối tượng áp dụng của nghị định là cá nhân tập thể dục, thể thao trong quần chúng hay là thể dục, thể thao của vận động viên đi thi đấu.
TS-luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Đối tượng bị điều chỉnh là hoạt động tập luyện thể dục, thể thao nói chung Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Tại buổi họp báo quý II của Bộ VH-TT&DL diễn ra sáng 1-8, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, đã giải thích rõ hơn về hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy. Theo ông Phúc, đây không phải là nội dung mới mà kế thừa các nghị định có từ trước dựa trên cơ sở của Luật Thể dục, thể thao. “Thực tế hiện nay, qua thanh tra, kiểm tra và nắm tình hình cho thấy có một số môn thể thao xuất hiện ở nước ta, ví dụ như yoga khỏa thân, là trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam” - ông Phúc nói. Ông Phúc cho rằng vì lý do đó nên cần thiết đưa nội dung trên vào Nghị định 46/2019 để răn đe là chính, chứ không phải để chăm chăm xử phạt. Nếu có điều kiện rõ ràng xử phạt được thì các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng thực hiện. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Xuân Phúc cho rằng Nghị định 46 điều chỉnh đối tượng tham gia hoạt động tập luyện thể dục, thể thao nói chung chứ không chỉ dành cho vận động viên tập luyện và thi đấu. Chẳng hạn như người dân vào trung tâm yoga mà khỏa thân thì vẫn bị xử phạt, người tham gia thể thao như bơi lội mà trần truồng nhảy xuống bể bơi thì phải xử lý. VIẾT THỊNH |