Dow Jones vượt mốc 10.400 điểm

Hai báo cáo kinh tế khả quan mà thị trường nhận được trong ngày là số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu và thâm hụt thương mại đều giảm mạnh. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 4/9 giảm mạnh 27.000, xuống 451.000 người. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại tháng 7 của Mỹ giảm xuống 42,8 tỷ đôla, cách khá xa dự báo 47,3 tỷ đôla của các nhà kinh tế và giảm đáng kể so với mức đã được điều chỉnh trong tháng 6 là 49,8 tỷ đôla

Chứng khoán Mỹ khép lại phiên tăng điểm thứ sáu trong 7 ngày với mức tăng khiêm tốn do áp lực bán dâng cao về cuối ngày. Dow Jones Industrial ghi thêm 28,23 điểm, tương ứng 0,3%, lên 10.415,24 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 bật 0,5%, hứng khởi chinh phục ngưỡng kỹ thuật 1.100 điểm, chốt tại 1.104,18 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,3%, đóng cửa ở 2.236,2 điểm.

Chứng khoán châu Âu củng cố vững vàng đỉnh cao 4 tháng. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực DJ Stoxx 600 đón nhận phiên khởi sắc thứ tư trong 5 ngày, ghi thêm 1,1%, chinh phục mốc 265,09 điểm. Thống kê từ mức đáy thấp nhất trong năm nay được thiệt lập hồi cuối tháng 5, chỉ số này đã hồi phục được 14% giá trị.

Sắc xanh phủ kín trên tất cả các bảng điện tử khu vực. Chứng khoán Anh và Pháp cùng khởi sắc 1,2%. Chỉ số DAX 30 của Đức bứt phá 0,9%. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục lịch sử 0,5% và quy mô chương trình mua lại các giấy tờ có giá mất thanh khoản trị giá 200 tỷ Bảng (308 tỷ đôla).

Chứng khoán châu Á tìm lại sắc xanh sau 2 phiên điều chỉnh giảm. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI khởi sắc 0,9%, leo lên ngưỡng 121,49 điểm. Giới đầu tư lạc quan với thông tin số lượng lao động được tuyển dụng tại Australia trong tháng 8 đã bất ngờ tăng cao hơn dự báo ban đầu và kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống 5,1% từ mức 5,3% trong tháng 7.

Tại Tokyo, phong vũ biểu Nikkei 225 tái xác lập mốc 9.000 điểm sau khi ghi thêm 0,8%, chốt tại 9.098,39 điểm. Các thị trường Australia và Ấn Độ lần lượt tăng 1% và 0,7%. Chứng khoán Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc cùng tích lũy trong khoảng từ 0,3% đến 0,4%.

Đi trái chiều với diễn biến chung, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sâu nhất trong 2 tuần. Cổ phiếu các tổ chức tài chính, công ty kim loại chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ. Giá nhà đất tiếp tục tăng cao trong tháng qua khiến thị trường dấy lên những phỏng đoán về khả năng chính phủ sẽ đẩy mạnh các biện pháp ngăn đầu cơ bất động sản. Chỉ số tổng hợp Shanghai Composite rớt 1,4%, 2.656,35 điểm.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô thế giới điều chỉnh giảm ngày thứ ba liên tiếp giữa những lo ngại nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ chững lại. Báo cáo tổng hợp của Cơ quan năng lượng Mỹ (ED) cho thấy, sản lượng xăng, dầu dự trữ của nền kinh tế lớn nhất thế giới tính đến thời điểm kết thúc ngày 3/9 đã lên mức cao nhất kể từ năm 1990, tương ứng 1,14 tỷ thùng. Trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX, giá vàng đen giao kỳ hạn tháng 10 hạ 42 cents (0,6%), xuống 74,25 đôla một thùng.

Giá vàng thế giới trượt mạnh nhất trong 3 tuần trước làn sóng chốt lời dâng cao. Cụ thể, trên bảng điện tử Comex, giá kim loại quý giao kỳ hạn tháng 12 lao dốc 6,6 đôla (0,5%), xuống 1.250,9 đôla một ounce. Như vậy, mức đỉnh cao được thiết lập trong chuỗi tăng trưởng vừa qua là 1.259,3 đôla hôm 7/9.

Trên thị trường ngoại hối New York, đồng đôla tiếp tục giảm giá mạnh. Tỷ lệ hoán đổi giữa đồng bạc xanh và euro là 1,2708 đôla. Trong khi, tỷ lệ tương ứng giữa đôla và yen Nhật là 83,87 yen.

Theo Nguyễn Hùng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm