Nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan của hàng trăm công ty xuất nhập khẩu đã được nêu ra tại hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Cục Hải quan TP.HCM tổ chức ngày 25-4.
Đáng chú ý, nhiều công ty nêu vướng mắc thủ tục hải quan phát sinh khi áp dụng các điều kiện để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm (bản tự công bố sản phẩm và HACCP) vì mỗi Bộ quy định một kiểu, khiến thủ tục thông quan hàng hoá kéo dài.
Thủ tục kéo dài vì 1 quy định có 4 Bộ quản
Các doanh nghiệp phản ánh: Hiện tại các Bộ gồm Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương vẫn chưa thống nhất cơ sở dữ liệu liên quan trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở áp dụng phương thức kiểm tra giảm cho doanh nghiệp.
Đại diện Công ty AJINOMOTO Việt Nam nêu vướng mắc thủ tục hải quan liên quan Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, công ty nộp đầy đủ hồ sơ theo phương thức kiểm tra giảm (bản tự công bố sản phẩm và HACCP) cho cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan vẫn yêu cầu công ty thực hiện thủ tục hải quan đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức thông thường. Lý do là không có thông báo của cơ quan kiểm tra chuyên ngành về danh mục sản phẩm, hàng hoá và danh sách tổ chức, cá nhân được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.
“Hải quan cần thống nhất với Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về quy trình, thủ tục hải quan. Làm sao để doanh nghiệp được liệt kê vào danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm hàng hoá áp dụng phương thức kiểm tra giảm...” - đại diện Công ty AJINOMOTO kiến nghị.
Liên quan đến nội dung trên của công ty, Cục hải quan TP.HCM cho biết, Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, nêu rõ cơ quan hải quan có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong 1 năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định.
Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TP.HCM, trước đây, các Bộ thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu trên hệ thống riêng, cơ sở dữ liệu bị phân tán, cơ quan hải quan không đủ cơ sở dữ liệu để lựa chọn ngẫu nhiên lô hàng để kiểm tra theo quy định nêu trên.
Do vậy, trong thời gian vừa qua Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản trao đổi với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục thông báo kết quả kiểm tra an toàn nhà nước về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin 1 cửa quốc gia; đồng thời cung cấp danh sách các lô hàng của các tổ chức, cá nhân thuộc diện trên.
“Hiện nay, các Bộ đã thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy nhiên để cơ quan hải quan thực hiện theo phương thức kiểm tra giảm thì cần phải chuẩn hoá hồ sơ, kết quả kiểm tra chuyên ngành của các Bộ để hệ thống có thể lựa chọn ngẫu nhiên không quá 5% để kiểm tra hồ sơ”- đại diện Cục Hải quan TP.HCM.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh, thực tế trong thời gian thực hiện Nghị định 15/2018 đã phát sinh trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục nhập số lượng lớn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có văn bản đề nghị 3 bộ trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện có hai quan điểm khác nhau giữa 3 bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu quan điểm: Không được miễn tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương, Bộ Y tế thì cho rằng được miễn tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đau đầu vì hệ thống 1 cửa hải quan trục trặc
Nhiều doanh nghiệp cũng phản ảnh hệ thống 1 cửa hải quan gặp lỗi gây khó khăn cho việc làm thủ tục thông quan hàng hoá.
Cụ thể Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương cho biết hiện thuế lấy ngày ghi nhận doanh thu là ngày qua khu vực giám sát của hải quan, nhưng hiện tra cứu ngày qua khu vực giám sát hải quan rất cực với lý do doanh nghiệp phải tra cứu từng tờ một.
Trong khi đó, doanh nghiệp có rất nhiều tờ khai, mà mỗi lần lên trang web của hải quan lấy được tờ khai là cả một vấn đề lớn vì gặp nhiều lỗi.
“Nào là lỗi phần mềm hải quan, kẹt mạng, lỗi MP; lên được “con mắt” hải quan thì căn cước công dân sai, mã số thuế sai… Mà mã số thuế, căn cước công dân doanh nghiệp sao khai sai được. Và vướng mắc nữa là các tờ khai của nhiều ngày trước đó cũng chưa có ngày qua khu vực giám sát”- đại diện doanh nghiệp này nêu.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM trả lời, từ năm 2014 đến nay, thực hiện chủ trương của ngành hải quan, Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị tiên phong trong thực hiện hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên sau gần 10 năm vận hành hệ thống cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đây là hệ thống “đóng”, không tích hợp, trao đổi, xử lý thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống ngày càng hạn chế.
"Cục Hải quan TP.HCM ghi nhận ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp và sẽ có đề xuất lên Tổng Cục hải quan có kế hoạch cải thiện các vấn đề nêu trên trong quá trình hỗ trợ các thủ tục với doanh nghiệp", ông Nghiệp cho biết.