Bảo vệ dân phố giết em bé: Trách nhiệm phường tới đâu?

Cơ quan tố tụng đang tạm giữ Hoàng Nhất Giang (bảo vệ dân phố tại phường 5, quận 11, TP.HCM) để hoàn thiện hồ sơ điều tra, xử lý.

Với thông tin người này có khả năng bị tâm thần khi gây án, ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc bồi thường cho gia đình nạn nhân cũng như trách nhiệm của đơn vị tuyển dụng như thế nào đang được dư luận quan tâm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực dân sự, hình sự cho là “có một phần trách nhiệm” của UBND phường nơi tuyển dụng Giang.

Phường cũng chịu một phần dân sự

Theo TS Lê Minh Hùng (ĐH Luật TP.HCM), vào thời điểm gây án, Giang là bảo vệ dân phố, tức người của tổ chức, đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt.

Theo quy định, bảo vệ dân phố thuộc sự quản lý của UBND phường. Nếu Giang gây thiệt hại khi thực hiện công việc được giao thì phường phải chịu trách nhiệm bồi thường (về dân sự). Tuy nhiên, muốn áp đặt trách nhiệm này đối với UBND phường thì cần chứng minh “hành vi” gây thiệt hại của Giang là đang thi hành công việc được giao.

Khái niệm thực hiện công việc được giao được hiểu theo nghĩa khá rộng, bao gồm các công việc theo chức trách do luật định hoặc có thể thực hiện nhiệm vụ cụ thể do người có thẩm quyền phân công.

Trở lại việc Giang gây án không coi là thi hành công vụ. Vì Giang không phải là “người có thẩm quyền”; hành vi chém chết cháu bé cũng không phải là đang thi hành công vụ.

Cơ quan chức năng đưa thi thể bé trai sáu tuổi về cho gia đình lo hậu sự. Ảnh: NT

Thực tiễn từng xảy ra, nhóm dân quân và công an viên của một xã ở Tiền Giang đi bắt giữ một thanh niên vì anh này đánh cha mình nhưng nhóm đi bắt đã đánh đương sự bị thương khi người này đang bị tạm giữ tại phường. Xử vụ này, tòa án địa phương xác định hành vi này là gây thiệt hại khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, cấp giám đốc thẩm của TAND Tối cao xác định đây không phải là việc gây thiệt hại khi đang thi hành công vụ, không phải là thi hành công vụ được giao.

Với vụ việc của Giang, khó tìm thấy cơ sở rõ ràng về trách nhiệm của UBND phường đối với “hành vi” gây thiệt hại của Giang.

Tuy nhiên, có thể áp dụng tinh thần của quy định về trách nhiệm bồi thường của pháp nhân, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bệnh viện, tổ chức khác đối với thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian họ được bệnh viện, tổ chức khác quản lý để buộc UBND liên đới chịu một phần trách nhiệm bồi thường cùng người gây thiệt hại (hoặc người giám hộ nếu Giang bị mất năng lực hành vi dân sự).

Điều đó phù hợp với nguyên tắc của pháp luật và đạo lý của chính quyền địa phương, nơi lập ra tổ chức bảo vệ dân phố.

Cần xem lại quy định bắt buộc chữa bệnh

Còn TS-luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan tuyển dụng.

LS Trạch cho rằng sau giám định, nếu như kết luận rằng Giang bị tâm thần thì Giang sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Và nếu cơ quan chức năng xác định Giang mắc bệnh tâm thần từ lâu, cần xem lại toàn bộ hồ sơ xin việc của người này để xem xét có hay không trách nhiệm của người tuyển dụng. Nếu hồ sơ có giấy khám sức khỏe, ghi rõ sức khỏe không đảm bảo, bị tâm thần mà vẫn nhận là vi phạm vào điều kiện tuyển dụng.

Còn LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) đặt vấn đề về biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho người tâm thần. Bởi biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, còn trước khi người tâm thần gây án, họ không bị bắt buộc chữa bệnh để ngăn ngừa hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của họ.

Lý do Giang sát hại bé sáu tuổi

Ngày 28-11, Thượng tá Tăng Châu Long, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú, cho biết vẫn đang tiếp tục lấy lời khai đối với Hoàng Nhất Giang (bảo vệ dân phố tại phường 5, quận 11), hoàn thiện hồ sơ để điều tra, xử lý.

“Việc đưa Giang đi giám định tâm thần và khởi tố vụ án là chuyện tất nhiên nhưng thẩm quyền do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thực hiện. Chúng tôi sẽ hoàn tất điều tra ban đầu và chuyển cho PC45” - ông Long nói.

Tại cơ quan công an, Giang tỏ ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Sau một thời gian, Giang tỉnh dậy, nói nhỏ giọt.

Theo đó, chốt trực nơi Giang làm việc nằm gần nhà gia đình bé trai nạn nhân. Giang khá yêu trẻ con nên mỗi khi tan trường, bé Kh. thường hay dẫn em sang chơi và được bảo vệ dân phố này mua quà bánh cho. Giang khai là gần đây khi ngủ, Giang nghe tiếng cháu bé vang lên trong đầu là “Đồ ăn cắp”, “Đồ độc ác”… khiến không tài nào ngon giấc. Ám ảnh vì tiếng chửi vang lên trong đầu, Giang rắp tâm sát hại cháu để không còn chửi được nữa.

Trưa 26-11, khi đang nằm ngủ trên võng ở chốt trực thì trong đầu Giang lại vang lên tiếng chửi. Khi mở mắt nhìn qua đường thì thấy cháu Kh. đang tung tăng tới tiệm tạp hóa mua đồ nên Giang cầm theo con dao xếp có gắn lưỡi lam (dạng dao thợ cắt tóc dùng để cạo râu) bám theo gây án, sau đó quay trở lại chốt gác như không có chuyện gì xảy ra.

Giang từng bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005 và được điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM. Sau thời gian điều trị, bệnh tình của Giang đã ổn định và được cho về điều trị tại nhà.

N.TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm