Cướp giật làm dân sợ hãi khi ra đường

Lực lượng công an là nòng cốt phòng, chống tội phạm nhưng trong các vụ cướp giật, công an chỉ phát hiện, bắt giữ 25% số vụ còn quần chúng bắt gần 40%... Vì vậy cần có giải pháp khuyến khích hơn nữa để người dân tham gia vào phòng, chống loại tội phạm đường phố. Ông Lê Thanh, Viện trưởng VKSND quận 10 (TP.HCM), phát biểu tại hội nghị về thực trạng tội phạm cướp giật trên địa bàn cùng việc đấu tranh với loại tội phạm này sáng 28-10, do các cơ quan tố tụng quận 10 tổ chức như trên.

Theo số liệu, từ năm 2012 đến sáu tháng đầu năm 2016, quận 10 xảy ra 275 vụ cướp giật, chủ yếu do các nam thanh niên ở tuổi từ 18 đến dưới 30 và đa số là không có nghề nghiệp.

Theo ông Hoàng Nam Bắc, Phó Viện trưởng VKSND quận 10, những thanh niên sử dụng xe độ chế để nhanh chóng bỏ chạy sau khi gây án. Phần lớn loại xe này đã mua bán qua nhiều chủ sở hữu, không sang tên, không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng biển số giả, bẻ cong biển số… nên khó truy tìm nghi phạm theo biển số xe.

Một nghi can cướp giật bị cô gái đánh ngã, bắt giữ trên đường. Ảnh: N.TÂN

Đa phần người phạm tội cướp giật học vấn THCS (gần 55%). Cá biệt có hai sinh viên ĐH, CĐ tham gia cướp giật tài sản vào năm 2012 và năm 2015.

Thượng tá Võ Văn Liêm, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 10, cho hay: Trước đây các băng nhóm cát cứ nhưng hiện nay cướp giật đều là phạm tội cơ hội, chưa có tiền án tiền sự. “Lý do đi cướp giật là thiếu tiền nhậu, chơi game, mua ma túy hoặc nợ tín dụng đen. Nếu khi ra tay bị truy bắt thì chống trả rất quyết liệt” - ông Liêm nói.

Theo đại diện VKSND quận 10, tội phạm cướp giật khó kiểm soát vì cơ quan chức năng quản lý nhân, hộ khẩu còn yếu; quản lý nhà nước về đăng ký, chuyển nhượng xe còn lỏng lẻo, còn sơ hở trong việc quản lý các tiệm cầm đồ. “Đặc biệt, việc tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng thụ án chưa được quan tâm nên tái phạm rất cao” - vị này cho hay.

Còn Thượng tá Liêm cũng than là có khó khăn trong việc truy bắt, xử lý nghi can cướp giật vì thiếu bằng chứng, nhân chứng. “Các chiến sĩ đội hình sự không biết bao nhiêu lần phải đi chích phơi nhiễm khi truy bắt cướp, cướp giật vì bị chống trả. Mà truy đuổi thì có thể gây nguy hiểm cho chính chiến sĩ và người đi đường. Vì vậy quan trọng nhất là các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa bằng cách tạo điều kiện hòa nhập, quản lý tốt người có tiền án, thanh thiếu niên hư hỏng… mới giảm thiểu được cướp giật” - ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng ban Tuyên giáo quận 10, cho rằng người dân ra đường phải “chiến đấu” với nhiều thực trạng như mưa ngập, kẹt xe, phương tiện giao thông nguy hiểm và còn phải nơm nớp lo sợ cướp giật là rất đáng báo động. Vì vậy cần có nhiều giải pháp như vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm, khen thưởng kịp thời cho những người dân tham gia bắt cướp… cùng các giải pháp kinh tế, xã hội khác để đẩy lùi loại tội phạm này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm