Cựu lính đảo thăm đồng đội Trường Sa

Trong đoàn cán bộ do Thành đoàn tổ chức đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đầu năm 2008, có một người cứ bồn chồn, háo hức suốt hành trình. Đó là Trần Ngọc Khánh, cán bộ Tổ công tác ngoài quốc doanh Quận ủy Gò Vấp, từng là lính Trường Sa, nay trở về thăm đơn vị cũ.

Tình nguyện nhập ngũ, tình nguyện đi Trường Sa

Năm 2004, khi đang là cán bộ Quận đoàn Gò Vấp, Khánh làm đơn tình nguyện nhập ngũ với lý do “Suốt ngày đi tuyên truyền vận động thanh niên nhập ngũ mà mình lại không thực hiện thì tự nhận thấy mình chưa xứng đáng, dù mình là con một, thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự”.

Kết thúc ba tháng huấn luyện, anh lại tình nguyện xin ra đảo Trường Sa cũng chỉ vì nung nấu ý nghĩ “Đã đi thì đi cho đáng, đã xác định phải rèn luyện thì nên rèn luyện ở những nơi khó khăn nhất”.

Đơn vị của Khánh đóng quân trên đảo Núi Le B, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo nằm chơ vơ giữa đại dương. Bốn bề chỉ có nắng, gió và nước. Khánh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày đó: “Nhớ nhất những đêm giông bão phải trùm áo mưa, nai nịt vũ khí canh gác đèn bão. Nếu phát hiện có tàu đến gần phải phát tín hiệu bằng đèn để ngư dân không đâm phải bãi san hô dưới chân đảo. Hết ca trực, người nào cũng ướt đầm đìa nước mưa, run lập cập”.

Mỗi ngày lính đảo chỉ có khoảng 10 lít nước sinh hoạt. Mùa khô nước càng ít hơn nữa, có ngày mỗi người chỉ được duy nhất một ca nước. Lính đảo có cách tắm rất độc đáo: nhảy ùm xuống biển, rồi lên bờ đứng vào trong cái chậu, chầm chậm dội ca nước từ đầu xuống chân. Nước đó lại tiếp tục được dùng để tưới rau. “Có những lúc nước dự trữ cũng hết, phải nấu cơm bằng nước biển. Gạo cho vào rá để trên xoong, đun sôi cho hơi nước biển bốc lên làm chín hạt gạo”.

Đảo chìm, không có đất, lính trồng rau trong những bồn đất như người ta trồng hoa trên các ban công nhà ở thành phố. Rồi đất cũng cằn cỗi, lính mang đậu xanh ra ngâm nước làm giá đậu thay rau. Nhưng cá thì nhiều ê hề. “Bộ đội đất liền tăng gia bằng rau xanh, bằng nuôi heo, còn chúng tôi tăng gia bằng cách bắt cá. Chỉ tiêu một năm mỗi người tăng gia hai tạ cá nhưng chỉ cần hai tháng là dư sức vượt kế hoạch rồi” - Khánh cười.

Những “bưu tá bất đắc dĩ”

Những ngày đầu mới ra đảo, nhớ nhà đến muốn phát khóc. Thiếu thốn vật chất không sợ bằng thiếu thốn tinh thần: Tivi khi có khi không vì thời tiết không ổn định, một năm chỉ có ba lần tàu có thể đến tiếp tế, cũng đồng nghĩa với việc chỉ được ba lần nhận thư và sách báo.

Trước ngày nhập ngũ, Khánh và bạn gái đã xếp chuẩn bị 500 bao thư vẽ tay để gửi cho nhau. Ở tiểu đoàn huấn luyện tân binh Vùng 4 Hải quân, nhiều người vẫn nhớ đến Khánh vì anh là “người nhận nhiều thư nhất đơn vị”. “Thời gian huấn luyện, ngày nào cậu ấy cũng có ít nhất một lá thư. Và không cần đọc địa chỉ, chỉ cần nhìn chiếc phong bì độc đáo là biết thư của bạn gái Khánh” - Nguyễn Mạnh Hà, một chiến sĩ đồng ngũ với Khánh, kể lại.

Một năm rưỡi ở đảo, gần 20 cán bộ, chiến sĩ dồn hết tem, phong bì theo tiêu chuẩn được cấp phát hàng tháng cho Khánh viết thư. Thư gửi ra đảo, người nhà luôn gửi kèm theo mấy xấp tem thư. Vậy mà vẫn chưa đủ. Khánh nói: “Một năm tàu ra có mấy lần nhưng ngày nào tôi cũng viết, có khi viết vài lá một ngày, cứ ngóng tàu cá của ngư dân ngang qua để nhờ họ khi nào về bến thì gửi thư giùm. Tôi thường gọi ngư dân là những “bưu tá bất đắc dĩ” - Khánh cười. Chàng cựu lính đảo bồi hồi nhớ lại: “Mỗi lần tàu đến đảo, mong ngóng nhất không phải là rau xanh, không phải là thực phẩm mà chính là những cánh thư”.

Khánh khiêm tốn: “Nhưng mong ngóng của tôi chưa cồn cào bằng câu chuyện của một người đồng đội. Anh nhận nhiệm vụ ra đảo trước ngày vợ sinh con một tuần. Cả đảo băn khoăn không biết vợ anh sinh cháu trai hay gái. Chủ đề ấy trở thành niềm háo hức của cả đơn vị suốt mấy tháng trời: đặt tên ra sao nếu là bé trai, đặt tên ra sao nếu là bé gái, rồi suy đoán cháu giống cha hay mẹ, đến thời gian này đã biết làm gì rồi... Và niềm vui vỡ òa khi gần nửa năm sau, mọi người nhận được tin đó là một bé trai rắn rỏi, đúng như dự đoán của những người lính đảo”.

“Ra đảo nhớ nhà, về nhà nhớ đảo”

Khó khăn là như thế nhưng lính đảo có câu nói nằm lòng, người đi trước nói lại cho người đi sau: “Ra đảo nhớ nhà, về nhà nhớ đảo, đâu cũng là nhà”.

“Có lẽ đó là do nhớ tình đồng đội gắn bó với nhau như anh em một nhà, nhớ nơi đã gắn bó cùng mình suốt một quãng thời gian dài, nhớ những đêm gác căng mắt canh chừng người nhái đổ bộ vào đảo, nhớ những khi xuất hiện tàu lạ, báo động sẵn sàng chiến đấu toàn đảo, nhìn sang khuôn mặt đồng đội thân quen đang ghì báng súng lại cảm thấy thêm sức mạnh để bình thản trước những hạm đội tàu lạ đang lảng vảng ngoài kia... Lính mới ra đảo thì say sóng một thời gian rồi mới quen đảo. Nhưng hết nghĩa vụ, về nhà thời gian đầu lại bị cảm giác say đất liền, thế mới biết mình đã yêu đảo chìm đến thế nào” - Khánh bùi ngùi.

Đại úy Đồng Xuân La, cán bộ tổ chức phòng Chính trị Vùng 4 Hải quân, nguyên là đảo phó chính trị nơi Khánh đóng quân, vẫn nhớ những kỷ niệm về chàng lính dân thành phố nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo tưởng là “công tử bột” nhưng lại không ngại bất kỳ khắc nghiệt nào của đảo chìm. Đại úy La nói: “Đó là một thanh niên nhiều nghị lực. Gần hai năm trời trên đảo chìm, chưa khi nào tôi thấy Khánh có biểu hiện chán nản. Cậu còn là một “cây văn nghệ” rất cừ của lính đảo chúng tôi”.

Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, ủy viên thường vụ Ban chấp hành Thành đoàn TP.HCM, cũng có những ấn tượng khá sâu sắc về người cán bộ đoàn trẻ làm việc dưới quyền mình. “Khánh rất sôi nổi trong hoạt động đoàn. Hai năm quân ngũ, chất lính càng làm cậu rắn rỏi, chín chắn, năng nổ hơn trong công tác”.

Chàng lính đảo ngày ấy giờ lại tiếp tục ngày ngày công tác đoàn hội, tối tối theo học thêm lớp đại học tại chức. Hai năm không gặp lại, người cán bộ đoàn trẻ tuổi bồi hồi bước chân trên vùng đất Cam Ranh, cái nôi của những người lính đảo Trường Sa. “Tôi có thể rờ từng cái giường để chỉ ra tên đồng đội nào đã nằm giường này, tính khí người ấy ra sao... và ước gì lại được một lần nữa lên tàu để gặp lại nơi ấy - Trường Sa thân yêu”.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm