Hậu quả đến từ kiểm sát viên

Kiểm sát viên hiểu sai luật!?

Theo những tiêu chí dành cho các chức danh tư pháp, như kiểm sát viên, luật sư, thẩm phán... thì đây đều là những người có kiến thức pháp luật sâu rộng. Chính vì thế, việc ai đó bị truy tố oan, sai rồi khi trước vành móng ngựa, những con người này được giải oan thì mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về phía cơ quan VKS và đặt ra những câu hỏi về chất lượng kiểm sát. Dù theo thông kê, số án oan sai chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng việc truy tố sai đã nói lên năng lực, sự hiểu biết pháp luật của các kiểm sát viên.

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các kiểm sát viên (Ảnh mang tính minh họa).
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các kiểm sát viên (Ảnh mang tính minh họa).

Kiểm sát viên Hà Như Khuê - VKSND Tối cao cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chính là việc nhận thức sai về pháp luật của các kiểm sát viên. Đơn cử như quy định tại khoản 2, điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự nói về việc tòa tuyên vô tội khi hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.

Nếu toà án tuyên bị cáo vô tội theo tiêu chí trên có nghĩa, các kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đã không hiểu, không nắm vững các dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội phạm quy định tại BLHS. Bên cạnh đó, những sai lầm trên thể hiện các kiểm sát viên không đọc kỹ hồ sơ, không đối chiếu các hành vi vi phạm, các tình tiết, diễn biến của sự việc với quy định của điều luật tương ứng.

Vụ án “tổ chức đánh bạc” vừa được Tòa cấp phúc thẩm xem xét đối với bị cáo Tăng Thị Huệ và đồng phạm là một ví dụ. Trong vụ án này, Huệ cùng đồng phạm chỉ thực hiện hành vi ghi đề và nộp bảng đề cho một “đại lý” và không có sự bàn bạc giữa các bị cáo trong việc chơi lô, đề. Tuy vậy, các đối tượng trên đã bị VKS truy tố về tội tổ chức đánh bạc. Ngay sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo được tuyên không phạm tội đánh bạc và chỉ bị HĐXX kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc khi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hoặc vụ án bà Phạm Thị út (SN 1943), trú tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bị truy tố, xét xử về hai tội danh “giết người” và “hủy hoại tài sản” cũng đã thể hiện sự yếu kém của KSV khi không nhận thức đúng, đầy đủ các dấu hiệu phạm tội. Ngay từ khâu điều tra, thu thập chứng cứ, vật chứng ban đầu tại hiện trường có quá nhiều thiếu sót, chưa thật sự khách quan... nhưng VKS vẫn đồng ý truy tố bị can ra tòa theo hai tội danh nói trên. Nhưng tại phiên phúc thẩm do TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử, bị cáo đã được tuyên vô tội sau hơn 12 năm bị giam giữ.

Cần “nâng cấp” chất lượng kiểm sát

Đánh giá về trách nhiệm của các kiểm sát viên trong các vụ án oan sai, bị tòa án tuyên vô tội, Kiểm sát viên Tống Minh Hương - VKSND Tối cao thẳng thắn: “Việc VKS truy tố, sau đó Tòa án tuyên vô tội trách nhiệm trước hết thuộc về các kiểm sát viên được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng trong vụ án đã làm không hết trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật cũng như các thao tác nghiệp vụ được quy định tại Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra vụ án hình sự và Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự”.

Kiểm sát viên Tống Minh Hương cũng cho rằng, bản thân mình từng nghiên cứu nhiều vụ án hình sự mà tòa án tuyên không có tội thấy rằng, phần lớn đó không phải là các vụ án quá khó về thu thập và đánh giá chứng cứ, nhưng các kiểm sát viên lại nhận định sai lầm và chỉ chú trọng quá nhiều vào các chứng cứ buộc tội và không xem xét đến các chứng cứ gỡ tội, vô tội dẫn đến hiện tượng nhìn nhận vụ án phiến diện, thiếu khách quan và đầy đủ.

Hơn nữa, việc không nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, không đánh giá đúng vai trò, hành vi phạm tội của các đồng phạm trong cùng một vụ án, không đánh giá được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị can, bị cáo với hậu quả thực tế xảy ra chính là một trong những nguyên nhân thiếu chứng cứ, chứng cứ yếu, do đó, trước tòa, không ít vị kiểm sát viên tỏ ra lúng túng trong các phiên tranh tụng, đối đáp tại tòa.

Thực tế trên đòi hỏi phải có sự nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại công tác đào tạo, quản lý các kiểm sát viên. Đặc biệt, việc thắt chặt hoạt động kiểm sát ngay từ khâu khởi tố vụ án sẽ là những biện pháp tích cực và hiệu quả trong việc hạn chế tối đa án oan, sai xuất phát từ sự làm việc thiếu khách quan, toàn diện và đầy đủ.

HOÀNG LINH - (Theo ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm