Lệ phí đăng ký = giá nửa chiếc xe?

Tại hội nghị bàn các biện pháp hạn chế sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn tổ chức tại Hà Nội sáng qua (22-11), Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra giải pháp tập trung hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng giải pháp của Cục không khả thi.

Quyết làm cho được

Giải pháp chống ùn tắc gồm: tăng phí đăng ký phương tiện mới bằng 30%-50% giá trị xe; phương tiện lưu hành vào giờ cao điểm trong nội đô sẽ phải nộp một khoản phí theo ngày hoặc theo tháng với mức 20.000 đồng/ngày hoặc 500.000 đồng/tháng đối với xe ôtô và 10.000 đồng/ngày hoặc 200.000 đồng/tháng đối với xe máy.

Các khoản thu nêu trên sẽ hỗ trợ lại vào việc cấp vé đi xe buýt miễn phí cho một số đối tượng. Bên cạnh đó, địa phương sẽ bố trí các điểm đỗ cho phương tiện ngoại tỉnh tại các đường vành đai trước khi vào nội đô...

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đây là những giải pháp mà ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), rất tâm đắc, đã hứa trước Quốc hội nên dù còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình, tới đây Bộ GTVT vẫn sẽ cùng Hà Nội, TP.HCM tiến hành.

Việc chống ùn tắc giao thông thời gian tới sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp kinh tế - hành chính, còn các giải pháp kỹ thuật (điều chỉnh quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, buýt nhanh...) thuộc về khía cạnh khác.

Ông Thanh khẳng định: “Đã đến lúc phải ban hành những giải pháp mạnh, mặc dù trước mắt có thể tác động lớn đến người dân nhưng nếu không làm sẽ không thoát khỏi ùn tắc. Đến năm 2014 TP.HCM mới có tuyến metro đầu tiên, Hà Nội thì dự kiến vào năm 2020 mới có tàu điện ngầm, còn phát triển hạ tầng đường sá, cầu vượt, giãn dân ra khỏi nội đô cũng phải mất hàng chục năm nữa. Đây là giải pháp cấp bách”.

“Nghi ngờ” tính khả thi

Trái với “quyết tâm” trên, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại với những giải pháp trên. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ôtô Việt Nam cảnh báo: “Trong bối cảnh Chính phủ vừa có chỉ đạo bãi bỏ những khoản phí, lệ phí vô lý mà lại ban hành phí đăng ký phương tiện, phí lưu hành xe theo thời gian thì dân sẽ phản ứng, nhất là mức thu nêu ra lại khá cao. Và ai đảm bảo nguồn thu này sẽ được đầu tư quay lại cho cải tạo, phát triển giao thông? Tôi sợ áp dụng các biện pháp trên dễ gây sốc cho người dân”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GTVT, băn khoăn: “Hạn chế xe máy trong bối cảnh tàu điện ngầm, tàu điện trên cao chưa có, xe buýt còn nhiều bất cập như hiện nay thì người dân sẽ đi bằng cái gì? Những giải pháp của Cục Đường bộ muốn thành công phải có sự đồng tình của xã hội. Việc thu phí lưu hành theo giờ làm sao cho khả thi? Xe ngoại tỉnh ra vào hàng chục ngàn chiếc mỗi ngày, liệu có kiểm soát được?...”.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Viện Khoa học công nghệ GTVT, lập luận: Nếu chỉ riêng Hà Nội, TP.HCM tăng phí đăng ký xe thì người dân sẽ về các tỉnh khác đăng ký nên sẽ vừa gây phiền toái cho dân, vừa tạo kẽ hở cho tiêu cực. Khó mà hy vọng trong một thời gian ngắn người dân bỏ xe máy, càng không thể cấm người dân dùng xe máy.

Dự kiến sau hội nghị trên, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến và trình Bộ GTVT để quyết định các biện pháp hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM.

Một số đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam:

- Tăng lệ phí đăng ký phương tiện mới bằng 30%-50% giá trị phương tiện.

- Bắt buộc học sinh cấp 3 và sinh viên đi xe buýt đến trường.

- Phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm phải nộp phí 500.000 đồng/ tháng/ôtô và 200.000 đồng/tháng/xe máy.

- Cấm ôtô chỉ có lái xe lưu thông trên đường trong giờ cao điểm.

T.VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm