Bạo lực phát sinh khi gia đình buông lỏng

Đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường!

Rất tiếc là thời gian qua, vấn nạn bạo lực học đường xảy ra thường xuyên. Các em tham gia thuộc đủ mọi lứa tuổi; hình thức thì đa dạng từ bột phát đến hành động có tính tổ chức, thậm chí có cả hành vi cố ý làm nhục bạn bè… Hậu quả từ những cuộc ẩu đả này là nhiều em phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có em tử vong tại chỗ; hình ảnh nhiều nữ sinh bị đánh, quần áo tả tơi tràn ngập trên mạng; nhẹ nhất cũng bị trấn lột tiền tiêu vặt…

Theo tôi, trước hết, các bậc phụ huynh phải luôn quan tâm đến con em mình chứ không thể phó mặc con cái cho nhà trường. Khởi đầu là môi trường gia đình: Các em dễ có khuynh hướng bạo lực nếu thấy cha mẹ cãi nhau, thậm chí bạo hành; thêm vào đó là các cảnh bạo lực trên phim ảnh, Internet. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, sở thích tự do khám phá đẩy các em đi xa đến những cách hành xử không đẹp. Hoàn cảnh sống không tốt mà các em sớm phải chịu đựng, nhìn thấy dễ làm niềm tin các em bị lệch lạc. Nhiều em sẽ nghĩ hành động băng nhóm, thanh toán nhau bằng bạo lực sẽ giúp khẳng định giá trị và sức mạnh bản thân.

Các bậc phụ huynh phải chung tay góp sức, đừng phó mặc tất cả cho người khác rồi khi xảy ra chuyện lại bênh con theo cách vào trường đánh bạn học có mâu thuẫn với con như báo chí đã phản ánh.

NGUYỄN THU HÀ (368/24/9 Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú)

Siết chặt việc quản lý con cái là không thừa

Tôi xin kể về một người mẹ đã từng đau khổ vì có đứa con trai bỏ lơ việc học để đi kết bè kết phái đánh người nhưng rất may đã được kịp thời chấn chỉnh.

Bạo lực phát sinh khi gia đình buông lỏng ảnh 1

Sự quan tâm của cha mẹ trong môi trường gia đình sẽ giúp các em tránh khỏi nguy cơ bạo lực trong nhà trường. Ảnh minh họa: HTD

Cô ruột của tôi ở Bình Định có bốn người con. Muốn các con thoát khỏi nghề nông cực khổ, vợ chồng cô đã cố dành dụm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài công việc đồng áng, vợ chồng cô còn nấu rượu, nuôi heo và mở tiệm bán tạp hóa nên không còn nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Thế rồi người con trai thứ tư của cô dần thay đổi tính nết: trở nên cộc cằn, ít nói, không chú tâm học hành mà đi bái sư học võ rồi lân la chơi bời đánh nhau. Cô tôi cũng đã khuyên dạy, phân tích đúng sai hết lời. Ban đầu anh nghe nhưng rồi bị bạn bè xấu nói khích nên đâu vẫn vào đấy. Đặc biệt, khi lên cấp ba, anh ra thị trấn học và càng nổi tiếng hơn về chuyện đánh nhau. Anh được một nhóm bạn tôn làm đại ca và nhiều lần bị nhà trường gửi thông tin về cho gia đình. Có lần công an đã mời anh lên làm việc vì có liên quan đến một vụ đánh người gây thương tích…

Vợ chồng cô tôi nghĩ rằng nếu cứ để anh tiếp tục ở đây thì không ổn nên đã kêu người con trai thứ hai (đang làm việc ở TP Cần Thơ) làm thủ tục xin chuyển trường cho em vào Cần Thơ học. Sống trong môi trường mới và được anh nhiệt tình kèm cặp, người em đã chú tâm vào học tập. Hiện anh là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại TP.HCM.

Thông qua câu chuyện trên tôi muốn nói rằng: Vẫn biết vấn đề phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội nhưng trách nhiệm nặng nề nhất vẫn thuộc về gia đình. Hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng có tiền là con cái sẽ ngoan. Từ đó, nhiều người đã dành hết thời gian đi làm kiếm thật nhiều tiền rồi chiều con theo kiểu muốn gì được đấy. Nếu cha mẹ không quan tâm để san sẻ thì các em dễ bị lôi cuốn vào những điều xấu đó và trở thành tệ nạn gây gánh nặng cho xã hội.

lethanh…@yahoo.com

Gia đình là rào chắn quan trọng

Đọc được thông tin về những băng nhóm trong trường học, một người bạn của tôi cho biết trước đây, khi chưa là sinh viên, đứa con út của anh là “đại ca”, có nhiều học sinh hư khác vây quanh, tạo ra thế đông người để bắt nạt, đánh các học sinh khác mỗi khi tan trường. Với đủ thói hư tật xấu dính vào, con anh bỏ học gần cả tháng gia đình mới biết, bởi vì cả nhà mải lo làm việc kiếm sống. Phải mất nhiều thời gian theo dõi anh mới nắm mỗi ngày con mình thường tụ tập cùng đám bạn hư trước các trường học hút thuốc, uống cà phê, rồi ra tay trấn lột những học sinh khác để lấy tiền ăn chơi hoang phí. Cuối cùng, anh và người con trai cả đã tóm được con khi vừa cùng đồng bọn lấy tiền một học sinh khác.

Anh bình tĩnh đưa cháu về nhà để người con cả xử lý. Anh đã rất bất ngờ khi nghe người con cả nói với em mình: “Hôm nay, anh không đánh mày vì mày đã lớn. Nếu để lại dấu roi trên người thì mày sẽ xấu hổ với bạn bè nhưng nên nhìn vào gương anh đã hai lần bị công an tạm giữ dài ngày chỉ vì giao du với bạn xấu…, học hành dang dở nên bây giờ làm việc rất vất vả mới kiếm được tiền. Mày nên tự suy nghĩ chọn lựa hướng đi trước khi quá muộn. Có gì khó khăn cứ nói với ba và các anh, chị để được giúp đỡ. Đừng kéo bầy bắt nạt người khác kiếm ăn, hèn lắm!”.

Sau đó, anh đã liên hệ nhà trường nhờ tạo điều kiện cho con trở lại học tập và cậu con hư này đã tiến bộ rất nhiều. Anh rút ra kết luận: Nề nếp trong gia đình đã góp phần giáo dục lớn đối với những trẻ hư. Song song đó, việc phân tích những hệ quả xấu và không đồng thuận với những hành vi sai trái của con cũng góp phần ngăn chặn tốt những sự cố đáng tiếc sau này.

LÊ VĨNH TIẾN (375/67D Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm