Con mắc nợ, mẹ bị treo “giấy hồng”

Năm 1966, vợ chồng bà Lê Thị Thu mua một căn nhà nằm trên đường Trần Huy Liệu (phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Việc mua bán đã được UBND quận Phú Nhuận công nhận bằng “giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa” cấp năm 1990. Năm 1996, chồng bà Thu qua đời, không để lại di chúc. Do cha mẹ chồng bà Thu đều đã mất trước đó nên theo luật định, bà Thu và tám người con của bà là đồng thừa kế căn nhà trên.

Bị xù nợ, ngân hàng ốp bộ nhà

Tháng 3-2008, bà Thu nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” cho căn nhà. Cứ tưởng với giấy phép mua bán nhà hợp lệ nêu trên thì chuyện cấp “giấy hồng” sẽ cực kỳ đơn giản. Nào ngờ chỉ vì món nợ từ 13 năm trước của ông K. - người con thứ của bà Thu, “giấy hồng” của căn nhà đã bị treo đến nay.

Số là vào năm 1995, ông K. vay của một ngân hàng 18 triệu đồng để mua xe máy trả góp với thời hạn vay là 18 tháng. Năm 1997, vì ông K. không trả nợ vay nên ngân hàng đó đã gửi công văn đề nghị UBND quận Phú Nhuận ốp bộ căn nhà (tức ngưng giải quyết tất cả giao dịch liên quan đến căn nhà).

Năm 2008, để có cơ sở cấp “giấy hồng” cho mẹ con bà Thu, UBND quận Phú Nhuận đã đề nghị ngân hàng cho biết “có còn ốp bộ căn nhà trên hay không”. Trong thư hồi đáp, ngân hàng đã đề nghị tiếp tục ốp bộ phần tài sản thuộc quyền sở hữu của ông K. vì ông không có thiện chí trả nợ dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Cộng vốn lẫn lãi, số tiền ông K. nợ ngân hàng đã vượt mức 56 triệu đồng.

Từ thông tin trên, UBND quận Phú Nhuận đề nghị gia đình bà Thu liên hệ ngân hàng để thống nhất hướng giải quyết số nợ của ông K. Trên cơ sở đề nghị xóa ốp bộ từ ngân hàng, cơ quan này mới có thể cấp “giấy hồng” cho căn nhà.

Gia đình bà Thu không đồng ý với cách xử lý này. Theo họ, giao dịch vay tiền mua xe giữa ông K. và ngân hàng là chuyện riêng của hai bên, không liên quan đến các thành viên khác trong gia đình.

Treo “giấy hồng” được không?

“Quận không từ chối mà chỉ tạm thời chưa cấp “giấy hồng” cho trường hợp này”. Bà Bùi Ngô Thị Mỹ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận đã cho biết như vậy khi trao đổi về việc này với PV Báo Pháp Luật TP.HCM. Bà Mỹ giải thích: “Ông K. là con của vợ chồng bà Thu. Khi chồng bà Thu mất, ông K. trở thành đồng thừa kế, được hưởng một phần trong khối di sản của cha. Vì vậy, ngân hàng yêu cầu ốp bộ phần tài sản mà ông K. được hưởng thừa kế là có cơ sở nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nợ”.

Cũng theo bà Mỹ, hướng giải quyết tốt nhất là gia đình bà Thu cần thỏa thuận thống nhất với ngân hàng về số nợ chưa thanh toán. Khi ngân hàng đồng ý xóa ốp bộ, quận sẽ xem xét, cấp “giấy hồng” cho gia đình bà Thu.

Tuy nhiên, theo luật sư Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) thì UBND quận Phú Nhuận đã xử lý sai trong trường hợp này, bởi lẽ việc cấp “giấy hồng” là thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi của tất cả đồng thừa kế, trong đó phần của bà Thu là nhiều hơn cả. Để đòi nợ, ngân hàng cần khởi kiện ông K. ra tòa, đồng thời yêu cầu kê biên phần quyền sở hữu của ông K. trong căn nhà nhằm đảm bảo cho việc thi hành án.

Luật sư Cổ Hiệp cho rằng bà Thu có thể nộp đơn khiếu nại UBND quận về việc tạm ngưng cấp “giấy hồng” nêu trên. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của UBND quận hoặc quá thời hạn mà không được quận giải quyết, bà Thu có thể khiếu nại tiếp lên UBND TP.HCM hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng xét về lý thì ngân hàng đã làm sai khi đòi ốp bộ nhà của gia đình bà Thu. Tuy nhiên, xét về tình, ngân hàng đã có thiện chí trông chờ sự tự nguyện trả nợ của ông K. Bởi lẽ nếu ngân hàng khởi kiện, ông K. hẳn sẽ thua kiện. Phần tài sản của ông K. trong căn nhà có thể bị phát mại để thanh toán nợ. Chưa kể là ông K. còn phải chịu thêm một khoản án phí.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm