CSGT có quyền truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông?

Về lý, khi bị CSGT thổi còi, yêu cầu dừng xe, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ. Việc bỏ chạy là hành vi không đúng. Tuy nhiên, khi CSGT đuổi theo gắt gao, khiến người vi phạm những lỗi đơn giản trên đường gặp phải sự cố dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong thì sự việc đã hoàn toàn khác. Lúc này, dư luận sẽ có nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều sự việc đau lòng

Tối 24-4-2010, tại quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, thượng sĩ V.V.D. và công an viên N.T.H. trong lúc làm nhiệm vụ thấy anh Huỳnh Tấn Nam (21 tuổi) đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đã rồ ga truy đuổi. Khi 2 xe va vào nhau, viên CSGT ngồi sau cầm dùi cui vụt mạnh vào lưng Nam, khiến anh này ngã xuống đường trọng thương, phải nhập viện. Kết quả giám định anh Nam bị thương tật vĩnh viễn 77%.

27-6-2013, Lê Ngọc Vũ điều khiển xe máy biển số 38H1-9966 chở theo Nguyễn Sĩ Long (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đi trên quốc lộ 1A. Long và Vũ bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng đã bỏ chạy. CSGT đuổi theo, va vào xe khiến Vũ lạc tay lái. Long ngồi sau bị cuốn chân vaò bánh xe, chấn thương nặng.

 Nhiều người dân Hà Tĩnh hiếu kỳ đã lao ra đường, khiến quốc lộ bị ùn tắc kéo dài

Ngày 2-7-2013, người dân quanh khu vực chân cầu vượt Phú Lương dẫn ra QL 5 hướng Hải Phòng – Hà Nội (phường Nhị Châu, TP. Hải Dương) quay được đoạn clip CSGT truy đuổi một người đi đường. Người này sau đó được xác định là ông Đỗ Hải Nam (44 tuổi). Ông Nam vi phạm lỗi vào đường rẽ mà không bật xi nhan. Trong quá trình bỏ chạy, ông bị ngã chấn thương sọ não và tử vong.

Gần đây, vụ việc gây chấn động dư luận tỉnh Bắc Ninh khi hai cô gái trẻ do chạy trốn CSGT mà ngã xe, một người chết, một người bị thương. Nạn nhân tử vong là Trần Thị Kim Hoài (19 tuổi) ở Hoàn Sơn, Tiên Du (Bắc Ninh).  Nhân chứng còn sống, ngồi sau xe lúc đó là Vũ Thị Huyền Tr. chỉ nhớ được vì hai người không đội mũ bảo hiểm nên khi CSGT truy đuổi, họ hoảng sợ bỏ chạy. Đến ngã ba, Tr. chỉ kịp nghe một tiếng “rầm” rồi bất tỉnh, cô phán đoán lúc đó xe của Hoài bị va chạm với chính xe của CSGT đang đuổi theo. VKSND huyện Tiên Du sau đó đã xác nhận có sự truy đuổi của 4 công an trong vụ việc này.

Gia đình nạn nhân Trần Thị Kim Hoài  đau xót, dư luận bức xúc vì cái chết của cô gái trẻ

Dư luận trái chiều

Nếu xảy ra việc CSGT truy đuổi, kèm theo dùng công cụ cảnh cáo hay đạp chân vào xe người đi đường nhằm để họ dừng xe, những cảnh sát này sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp các nạn nhân trong những vụ truy đuổi tương tự như trên đã tự ngã do hoảng loạn, không làm chủ tốc độ. Thậm chí, một số vụ còn gây ra tai nạn cho người khác khi bỏ chạy với tốc độ cao.

Chính vì vậy rất khó quy kết trách nhiệm thuộc về CSGT. Ý kiến dư luận vẫn còn rất trái ngược nhau. Một số người chỉ trích việc CSGT ráo riết truy đuổi, khiến người vi phạm hoảng sợ, gây ra hậu quả không đáng có. Một số khác lại cho là  nếu CSGT không đuổi theo thì pháp luật không được thực thi, vì CSGT chỉ đuổi theo người có hành vi vi phạm luật giao thông. Người bỏ chạy đã sai và nếu gây hậu quả cho bản thân thì đó không phải là lỗi của CSGT. Ngược lại, nếu gây ra tai nạn cho người không liên quan còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Một vụ truy đuổi trên đường của CSGT

Luật pháp có cho phép truy đuổi?

Theo ý kiến của nhiều luật sư, các quy định của pháp luật hiện hành có cho phép trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT, TTGT ra hiệu lệnh dừng nhưng người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì có thể được truy đuổi. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm lỗi nhỏ thì CSGT chỉ được dừng xe của người vi phạm.

Các lỗi nhỏ được xem là các lỗi mà người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính như vi phạm về đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm, lấn tuyến v.v…

Tuy nhiên, một số ý kiến của người trong ngành giao thông cho biết nhiều trường hợp người vi phạm không những coi thường luật lệ giao thông, coi thường lực lượng chức năng mà còn có sự khiêu khích, thách đố vì tin rằng CSGT không có quyền đuổi bắt.

 Hai thanh nikên không đội mũ bảo hiểm, làm xiếc khiêu khích CSGT

Như vậy, phải làm như thế nào mới có thể vừa đảm bảo an toàn vừa thực thi được pháp luật trong lĩnh vực giao thông, vốn là một lĩnh vực còn đó nhiều vấn nạn từ sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông của người dân?

Chính từ những vi phạm nhỏ có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, gây nguy hại cho xã hội. Nếu không kịp thời chấn chỉnh hay có những biện pháp răn đe mạnh từ lực lượng chức năng thì sẽ khó đảm bảo được trật tự.

Vậy theo quan điểm của bạn, có nên trao quyền cho CSGT truy đuổi người vi phạm hay không, nhất là trong điều kiện giao thông đông đúc, dày đặc như ở các thành phố lớn như TP.HCM? Theo bạn, nếu cho phép thì nên giới hạn ở những trường hợp nào thì được phép truy đuổi? Những lỗi như không đội mũ bảo hiểm, quên xi nhan, quên bật đèn, lấn làn... thì có nên truy đuổi nếu lỡ người dân sợ tuýt còi mà chạy luôn? Những trường hợp lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, say rượu bia... thì xử lý sao nếu đương sự ngông nghênh thách thức? Điều quan trọng là khi CSGT thực hiện quyền truy đuổi thì cần có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho những người trong cuộc cũng như cho cộng đồng? 

PLOkính mời quý bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, nhằm tìm ra một giải pháp hiệu quả nhất để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, uy quyền của người thực thi pháp luật nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người dân. Mọi đóng góp xin gửi về plo@phapluattp.vn hoặc ở phần bình luận dưới bài viết này. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến của quý bạn đọc cả nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm