Ngay khi PLO khởi lập diễn đàn “CSGT có quyền truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông?”, hàng ngàn bạn đọc đã hào hứng tham gia gửi hàng trăm thư, commnet về góp ý.
Thực thi pháp luật thì phải trấn áp đến cùng
Một số bạn đọc cho rằng, với những lỗi vi phạm nhỏ như quên bật đèn, không bật xi nhan, lấn đường… thì không nên truy đuổi. Chỉ nên truy đuổi những lỗi vi phạm nặng vì việc truy đuổi gay gắt của CSGT có thể sẽ gây hậu quả đáng tiếc, gây nguy hiểm cho cả người bị đuổi và người truy đuổi.
“CSGT không nên đuổi khi công dân vi phạm những lỗi nhỏ. Nếu đuổi như vậy, lỗi vi phạm nhỏ có thể sẽ gây hậu quả lớn. CSGT chỉ nên được quyền truy đuổi tội phạm truy nã hay cướp giật thôi” bạn Nguyen Van Thuyen gửi mail góp ý.
Bạn đọc Niem tin khá bức xúc: “Trong khi mật độ giao thông ở các thành phố lớn thường rất đông, nếu CSGT truy đuổi sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng của tất cả người dân đang tham gia trên đường, nếu truy đuổi ô tô sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều, trong khi nếu muốn bắt người vi phạm để xử lý là không khó bởi những vụ án giết người còn truy tìm được thủ phạm. Thiết nghĩ trừ trường hợp tội phạm đặc biệt nguy hiểm làm nguy hại tới an ninh quốc gia mới cần thiết phải truy đuổi như vậy. Theo quan điểm của tôi cần phải loại bỏ khẩn cấp việc CSGT truy đuổi, hành hung người vi phạm giao thông”
Không nên truy đuổi những lỗi vi phạm nhỏ, chỉ nên nhắc nhở lịch sự,
Tuy nhiên phần đông bạn đọc vẫn đồng ý việc CSGT được quyền truy đuổi người vi phạm giao thông vì cho rằng việc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT và bỏ chạy đã là vi phạm nặng rồi. Đây cũng được cho là những hành vi vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người khác. Ngoài ra, việc không truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy sẽ gây tình trạng “lờn CSGT”, coi thường pháp luật trong một bộ phận những người tham gia giao thông.
Bạn đọc Duy Kha comment: "Chúng ta đã sai lầm khi bãi bỏ cai nghiện bắt buộc với người sử dụng ma túy nên bây giờ bọn xí ke ma túy đầy rẫy ngoài đường . Nếu CSGT không truy đuổi người vi phạm luật giao thông bỏ chạy thì ai cũng bỏ chạy khi phạm luật và tình trạng cố tình vi phạm luật sẽ lại tăng lên. Đã thực thi pháp luật thì phải kiên quyết trấn áp đến cùng".
Bạn đọc Tư Xụi bức xúc: “Nếu nói bỏ qua không truy đuổi các lỗi nhỏ thì các lỗi trong NĐ 171 hầu hết đều là lỗi nhỏ, và như vậy thì CSGT không cần phải truy đuổi làm gì à? Nên nhớ rằng CSGT là lực lượng đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông và phòng chống các loại tội phạm khác. Vi phạm giao thông là vi phạm hành chính nếu không ngăn chặn ngay thì vi phạm hình sự sẽ ra sao? Từ vi phạm nhỏ mà không nghiêm, không làm triệt để thì sao xử lý được vi phạm lớn. Hành vi không chấp hành lệnh dừng xe của CS và bỏ chạy là sai và cần phải ngăn chặn xử lý ngay. Anh không tôn trọng pháp luật thì chắc chắn anh cũng không tôn trọng những người khác... như vậy là có một mầm mống gây bất ổn xã hội xuất hiện. Do vậy, khi không chấp hành lệnh CSGT mà bỏ chạy thì CSGT phải truy đuổi ngăn chặn và xử lý nghiêm là điều cần thiết. Nếu trong quá trình truy đuổi có xảy ra sự việc đáng tiếc thì việc quy trách nhiệm đầu tiên chính là người bỏ chạy”.
“Theo tôi nên truy đuổi đến cùng nhưng phải đảm bảo an toàn. Nếu không thì người dân sẽ hình thành tâm lý là bị CSGT thổi phạt sẽ bỏ chạy” bạn đọc Nguyễn Đăng Khoa gửi mail góp ý.
Rất nhiều bạn đọc cho rằng nếu không truy đuổi những người vi phạm bỏ chạy, rất có thể sẽ bỏ lọt những tội phạm về an ninh trật tự nguy hiểm, hoặc bỏ lọt những thành phần cướp giật “có tật giật mình”, vì người dân đàng hoàng, ngay thẳng thường sẽ không dám hoặc không đủ “bản lĩnh” rú ga bỏ chạy khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng hay lực lượng CSGT.
Gần 10 chiến sĩ công an truy đuổi lái xe "điên" náo động trên phố. Ảnh: baomoi
Khi lực lượng cảnh sát giao thông chặn đầu xe thì lái xe tăng ga tiếp tục bỏ chạy, rồi đâm xe vào các chiến sĩ. Ảnh: baomoi
“Nên đuổi bắt. Vì nếu ko làm quyết liệt pháp luật sẽ bị xem thường. Không có ranh giới để phân biệt đó là lỗi nặng hay lỗi nhẹ. Nếu đó là xe gian hoặc vận chuyển hàng quốc cấm thì sao” bạn đọc ở địa chỉ mail kypinaco@gmail.com thắc mắc.
Bạn đọc Thái Bình Dương đồng ý với ý kiến này “Trong nhiều trường hợp các đối tượng bỏ chạy thường có hành vi như buôn bán ma túy, vừa thực hiện hành vi phạm tội khi thấy CSGT thì bỏ chạy, sau đó bị bắt thì mới khai ra tội phạm nên đã giúp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật. Truy đuổi người vi phạm cũng thế, việc có một số vụ tai nạn xẩy ra khi truy đuổi là tất yếu nhưng hiệu quả mang lại lớn hơn nên chúng ta vẫn chấp nhận, cũng giống như cảnh sát hình sự truy đuổi tội phạm trên đường phố, nếu cho rằng nguy hiểm mà không làm thì cướp giật sẽ tràn lan”
Bạn đọc Thuong Phe Binh thì dẫn chứng: “Tôi ủng hộ việc CSGT truy đuổi. ở Tây họ cũng thế nhưng truy đuổi họ kết hợp cùng lực lượng CS khác nữa, họ đuổi hung lắm, tôi lái xe ở Séc 15 năm nên tôi hiểu. Hãy mạnh tay hơn nữa nhưng CSGT phải làm vì dân chứ đừng vì túi tiền cá nhân như bây giờ”.
Bỏ chạy do thái độ của CSGT?
Bạn đọc cũng gửi nhiều ý kiến dẫn chứng lý giải những nguyên nhân việc bỏ chạy khi thấy CSGT ra hiệu dừng xe. Có bạn đọc cho rằng do mức phạt quá cao mà mình thì… không có tiền, dừng xe lại không biết sẽ bị “lòi” ra những lỗi nào, nên thấy bóng dáng CSGT thì tránh mặt luôn như bạn nhoxkute@yahoo.com chia sẻ.
Bạn Pham Trac Tho thì kể: “mình thấy CSGT hiện nay làm việc với dân có thái độ và cách cư xử chưa hợp lý. Mình có bị thổi phạt một lần kiểm tra giấy tờ xe. Lúc đó mình chỉ mang một cavet. CSGT thổi mình vô, câu nói đầu tiên là ‘giấy tờ, cavet đâu mày’. Và câu thứ hai là ‘bằng lái xe của mày đâu?’ Như vậy có phản cảm không?”
“Lỗi nào thì cũng nên xử lý nghiêm minh theo pháp luật quy định. Không đuổi sao xử lý được người vi phạm. Tuy nhiên cũng nên chấn chỉnh lực lượng cảnh CSGT trong thực thi công vụ, khi truy đuổi không được đạp xe, đánh người tham gia giao thông. Một số vụ việc gần đây mà do thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ của một số ít CSGT cũng đã làm cho nhân dân giảm sút lòng tin vào lực lượng này”; “Họ làm lơ chạy luôn, không muốn dừng xe vì sợ bị “moi tiền”” Bạn đọc Quan và Long nêu quan điểm.
Bạn Phù Vân còn nêu một nguyên nhân khác là nhiều người bỏ chạy không chấp hành hiệu lệnh dừng xe khiến CSGT phải truy đuổi là do…không biết luật. Bạn viết “Thử hỏi rằng trong mấy chục triệu người Việt Nam, liệu có bao nhiêu phầm trăm đã đọc và hiểu tường tận Luật giao thông đường bộ hoặc Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ? Cơ quan quản lý nhà nước đã làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật chưa? Nếu chưa, mà chỉ chăm chăm đưa lực lượng tuần tra, xử phạt rồi truy đuổi để giáo dục “cho nhớ” thì tôi cho rằng người dân không thể tiếp thu được. Răn đe mạnh hay nhẹ, truy đuổi hay không truy đuổi là vấn đề cần được bàn bạc kỹ lưỡng và luật hoá rõ ràng về trường hợp, cụ thể về giới hạn để đảm bảo tính pháp chế, vừa tránh những hậu quả đau lòng như đã từng xảy ra, vừa củng cố và tăng cường niềm tin của công dân vào chính quyền”.
Xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT là cần thiết
Nhiều bạn đọc cũng đề nghị gắn camera hỗ trợ tại các giao lộ, điểm nóng, gắn camera cho các xe công vụ, trên nón CSGT và áp dụng hình thức phạt nguội. Việc này vừa có tác dụng hạn chế được việc CSGT nhận mãi lộ, vừa phát hiện và làm chứng cứ chứng minh các hành vi vi phạm luật giao thông (bạn Phương Trần, Phuong Van Them, Linh, Nguyên...)
Như vậy, việc truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông trong nhiều trường hợp là cần thiết, vì rằng mọi vi phạm pháp luật đều phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, có như vậy mới đảm bảo được tính răn đe, nghiêm minh của luật pháp.
Chạy trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT không chỉ bị xử phạt hành chính mà việc làm này còn gây ra rất nhiều nguy hiểm cho chính chủ phương tiện và người đi đường xung quanh. Vì vậy, khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, người tham gia giao thông nên tuyệt đối chấp hành.
Và nên chăng, CSGT cũng cần có thái độ vui vẻ, tích cực nhắc nhở lịch sự những người có vi phạm với lỗi nhỏ hoặc do vô ý. Điều này không những giúp người dân có cái nhìn thiện cảm với CSGT hơn mà còn có cảm giác an tâm, không bỏ chạy khi nhận hiệu lệnh dừng xe từ CSGT. Việc này cũng hướng đến việc hình thành ý thức tự giác tốt hơn khi tham gia giao thông của người dân.
Có thể lấy ý kiến của Bạn Đoàn Cương và Hưng để thay cho lời kết: “Hoàn toàn đồng ý việc CSGT đuổi đến cùng, phải đặt luật pháp lên hàng đầu thì ý thức người dân mới tốt được. Tuy nhiên cùng với đó cũng nên xây dựng một lực lượng CSGT văn minh, lịch sự, luôn đặt sự an toàn cho người dân lên trên hết. Có như vậy, khi thực thi nhiệm vụ, mọi tình huống gây hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ được các chiến sĩ lường trước, các chiến sĩ CSGT sẽ có được những quyết định sáng suốt nên hay không nên truy đuổi người vi phạm, và truy đuổi trong tình huống nào là đúng đắn, thích hợp nhất. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm những CSGT nhận tiền mãi lộ, có thái độ không tôn trọng người dân cũng là cách tạo dựng một hình ảnh đẹp, thân thiện cho chiến sĩ CAND”. Tuýt còi, nhất định người dân sẽ dừng lại.