Dân kiện vì bị thu thuế ủy quyền bán nhà

Sau khi Pháp Luật TP.HCM ngày 13 và 14-3 đăng hai bài phản ánh những bất hợp lý của việc thu thuế ủy quyền bán nhà, đất, bạn đọc Nguyễn Hùng Sơn (quận 9, TP.HCM) đã gửi đến báo thông tin: Khi được ủy quyền bán nhà, đất, ngoài thuế thu nhập cá nhân (TNCN) anh còn bị bắt nộp lệ phí trước bạ (!).

Tháng 4-2011, anh Sơn được vợ chồng ông P. ủy quyền bán căn nhà của họ cho người khác. Khi làm thủ tục nộp thuế, Chi cục Thuế quận 3 thông báo anh Sơn phải nộp hơn 14 triệu đồng tiền thuế TNCN (2% trên giá bán nhà). Đồng thời, cả anh Sơn và bên mua nhà đều phải đóng lệ phí trước bạ (mỗi người hơn 650.000 đồng). Riêng vợ chồng người ủy quyền là ông P., do đây là căn nhà duy nhất của họ nên họ không phải đóng thuế TNCN.

Thấy vô lý nhưng anh Sơn vẫn phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước quận 3 để hoàn tất thủ tục mua bán. Tháng 6-2011, anh làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Chi cục Thuế quận 3, yêu cầu hoàn lại các khoản thuế và lệ phí mà anh đã nộp. Đến tháng 10-2011, Chi cục Thuế quận 3 chỉ đồng ý trả lại cho anh số tiền lệ phí trước bạ chứ không thoái thu số tiền thuế TNCN.

Dân kiện vì bị thu thuế ủy quyền bán nhà ảnh 1

Không đồng ý với cách giải quyết này, anh Sơn đã nộp đơn kiện Chi cục Thuế quận 3 ra TAND quận 3. Ngoài yêu cầu được hoàn trả số tiền thuế TNCN, anh còn đòi Chi cục Thuế quận 3 phải trả lãi cho số tiền thuế TNCN và số tiền lệ phí trước bạ theo lãi suất ngân hàng.

Sau khi thụ lý vụ án vào tháng 11-2011, TAND quận 3 đang tiến hành hòa giải giữa hai bên. Nếu hòa giải không thành, tòa này dự kiến sẽ đưa vụ án ra xét xử trong tháng 4-2012.

Được biết Bộ Xây dựng từng phản đối việc thu thuế TNCN và thu lệ phí trước bạ đối với trường hợp ủy quyền chuyển nhượng bất động sản. Tại Văn bản số 227/BXD-QLN ngày 18-2-2011, Bộ Xây dựng đã có ý kiến như sau với Bộ Tài chính: Khi ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người được ủy quyền chỉ thay mặt chủ sở hữu thực hiện việc chuyển nhượng bất động sản cho người khác. Việc ủy quyền không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản từ người ủy quyền sang người được ủy quyền, cũng không làm phát sinh thu nhập. Do đó, không có cơ sở để thu thuế TNCN cũng như thu lệ phí trước bạ của người được ủy quyền.

Cách nào hạn chế việc mua bán núp bóng ủy quyền?

Hiến kế với Bộ Tài chính về việc này, trong Văn bản số 227/2011, Bộ Xây dựng cho rằng Quốc hội cần sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 theo hướng chỉ cho phép chủ sở hữu được ủy quyền cho người khác thực hiện một số thủ tục nhất định liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản. Chẳng hạn người được ủy quyền chỉ được soạn thảo hợp đồng, nộp thuế, liên hệ với các cơ quan nhà nước…, còn việc ký hợp đồng chuyển nhượng thì phải do chủ sở hữu trực tiếp ký với bên nhận chuyển nhượng.

Đem “ý tưởng” này trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật, chúng tôi toàn nhận được sự phản đối. Sau câu nói vui “không thể vì nghi ai đó bệnh mà mình đè người đó ra bắt uống thuốc”, ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Công chứng số 7 TP.HCM, phân tích: “Khi pháp luật cho phép chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, miễn không gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của người khác, tại sao các cơ quan nhà nước lại đòi hạn chế những phần việc mà họ được ủy quyền?”.

Đồng tình, công chứng viên Lý Thị Như Hòa cũng cho rằng đề xuất của Bộ Xây dựng không hợp lý. Theo bà, khi chủ sở hữu được toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình thì không có lý do gì để bắt họ chỉ được ủy quyền cho người khác làm mọi thủ tục trừ việc ký tên chuyển nhượng.

“Vậy có cách nào khác để hạn chế việc làm ủy quyền giả?” . Với câu hỏi này, cả hai công chứng viên đều lắc đầu “nghĩ không ra”. Ông Thắng lưu ý: “Việc núp bóng hợp đồng ủy quyền để mua bán nhà, đất không hề là sự chọn lựa của số đông do tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với phía người mua. Vậy có cần nát óc suy nghĩ phương cách đối phó với thiểu số đó? Điểm mấu chốt là ngành thuế cần tính cách kiểm soát được thu nhập để không ai có thể toan tính việc trốn thuế”.

Bà Hòa đề nghị: “Không muốn người dân lách luật thì chính ngành thuế phải làm đúng luật. Nếu hai bên đương sự không thừa nhận và tòa án cũng không xác định hợp đồng ủy quyền bán nhà, đất nào đó là vô hiệu thì ngành thuế buộc phải tính đó là hợp đồng ủy quyền. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thuế không được thu thuế TNCN của người được ủy quyền”.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm