Đất mượn hay được cho?

Diện tích đất tranh chấp nằm ở 9/25B và 9/28 đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9. Theo lời trình bày của ông Bùi Văn Lượm, số đất đó nguyên thuộc quyền sử dụng của ông nội của ông. Sau đó, ông nội đã bán lại cho cha ông 2.000 m2 đất.

Bên nói mượn, bên nói cho

Cũng theo ông Lượm, vào năm 1967, cha của ông có cho người quen mượn khoảng 100 m2 đất để buôn bán. Việc cho mượn đất không làm giấy tờ. Sau khi mượn đất, người này đã cất một căn nhà lá để ở. Sau đó, con gái của người này là bà Phan Thị Bửu tiếp tục quản lý, sử dụng nhà. Mặc dù vậy, gia đình ông Lượm vẫn là người đóng thuế đất cho nhà nước cho đến năm 1990.

Năm 1992, bà Bửu sửa chữa và tách căn nhà cũ thành hai căn nhà (một căn cho mình và một căn cho vợ chồng người con gái ở). Thời gian sau, bà Bửu đã làm đơn xin hợp thức hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Hay tin, ông Lượm đã khiếu nại đến UBND phường Tân Phú và UBND quận 9 nhưng không được giải quyết.

Tuy nhiên, phía bà Bửu lại cho rằng cha mình đã được ông nội của ông Lượm cho đứt phần đất nói trên. Việc cho đất không làm giấy tờ. Khi bà sửa nhà từ nhà lá lên nhà xây, mái ngói, phía ông Lượm không có ý kiến gì...

Năm 2001, bà Bửu và con gái đã được cấp “giấy hồng” đối với hai căn nhà nói trên. Năm 2002, bà Bửu đã bán bớt một căn cho người khác. Do không thể thương lượng được với bà Bửu về quyền sử dụng đất tranh chấp, ông Lượm đã làm đơn khởi kiện bà ra tòa để đòi lại đất.

Sử dụng lâu, không thể đòi lại

Ngày 23-10-2003, TAND quận 9 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa này đã bác đơn khởi kiện của ông Lượm và công nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất của bà Bửu. Lý do: ông Lượm không đưa ra được bằng chứng để chứng minh việc cha của ông đã cho cha của bà Bửu mượn đất. Ngoài ra, bà Bửu đã quản lý, sử dụng đất ổn định từ trước giải phóng và hai căn nhà đã được cấp chủ quyền.

Ngày 28-5-2004, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng ở chỗ không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia hòa giải, TAND TP.HCM đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về TAND quận 9 xét xử lại.

Ngày 26-8-2005, TAND quận 9 xét xử sơ thẩm lại vụ án. Theo tòa sơ thẩm, cả ông Lượm và bà Bửu đều không có chứng cứ gì để chứng minh cho lời khai của mình.

Nhưng dù mượn hay được cho thì bà Bửu cũng đã sử dụng đất ngay tình, liên tục và ổn định. Nếu lấy mốc thời điểm sử dụng đất là vào năm 1967 (theo lời khai của ông Lượm) thì đến lúc ông Lượm khiếu nại là năm 1999, bà Bửu cũng đã sử dụng bất động sản được hơn 30 năm.

Ngoài ra, bà Bửu cũng đã trực tiếp kê khai, đóng thuế nhà, đất từ năm 1992 đến nay. Bản án sơ thẩm lần hai tiếp tục bác đơn của vợ chồng ông Lượm và công nhận chủ quyền nhà, đất cho bà Bửu.

Ngày 14-7-2006, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm lần hai. Tòa này nhận định giữa hai bên đã xác lập quan hệ cho mượn đất. Tuy bà Bửu không có giấy tờ chứng minh cho việc đã được cho đất nhưng phía ông Lượm chứng minh được cha mình đã mua đất đó.

Do hai bên chỉ thỏa thuận miệng và hiện bà Bửu cũng không đồng ý trả đất nên ông Lượm không thể kiện đòi. Cuối cùng, án phúc thẩm đã xử cho ông Lượm thua kiện.

Theo Điều 113 Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân có thể đòi lại đất ở gắn liền với nhà ở đã cho mượn với điều kiện đất có giấy tờ, có văn bản thỏa thuận về việc mượn đất... Cho nên ông Lượm cứ tiếc hùi hụi khi đã được tòa cấp phúc thẩm xác định có việc mượn đất mà chẳng thể lấy lại đất chỉ vì không có miếng giấy lận lưng về việc này.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm