Lại thêm một nỗi đau từ sự vô ý, lơ là

Các ý kiến gửi về Pháp Luật TP.HCM đều đề nghị chính quyền cần thường xuyên kiểm tra, xử lý những nhà trẻ, trường mầm non... vi phạm.

- Mỗi đứa con luôn là tài sản vô giá của các đấng sinh thành. Bất kỳ giáo viên mầm non nào cũng phải ý thức sâu sắc trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho các bé, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bé mà các phụ huynh đã tin tưởng trao vào tay mình. Vậy mà chỉ vì muốn bé Trân thôi khóc, cô giáo Vi đã tỉnh queo dùng băng keo bịt miệng bé! Đến khi thấy bé tím cả người vào hai phút sau đó, cô này mới gọi mẹ bé lên đưa bé đi cấp cứu.

Là cô giáo dạy trẻ nhưng cô Vi chỉ mới học hết lớp 5 và không hề được tập huấn, đào tạo để thấu hiểu được sự mong manh của trẻ thơ trong những năm tháng bắt đầu đời người! Lẽ ra phải tuyển dụng những giáo viên đủ bằng cấp, Trường mầm non Thiên Thơ lại dễ dãi chấp nhận những cô giáo “tay ngang” chỉ vì... không đủ khả năng trả lương cao! Phía Phòng Giáo dục quận Phú Nhuận dù đã nhiều lần yêu cầu bổ sung giáo viên đúng theo quy định nhưng khi nhà trường không chấp hành, phòng này vẫn không có những biện pháp chế tài kịp thời... Chính vì không cố gắng tuân thủ những quy định bắt buộc mà những người có trách nhiệm nói trên đã gây ra hậu quả thương đau cho bé Trân.

Phải làm sao để không còn những trường mầm non kiểu như Thiên Thơ, những cô giáo kiểu như cô Vi, những em bé bất hạnh như bé Trân...? Chính quyền phải chủ động giải cho được mối băn khoăn, hoài nghi này của toàn xã hội.

Hồng Yên (Hòa Thành, Tây Ninh)

- Không hẳn từ vụ bé Trân mà tôi đòi xem xét lại cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ của các nhà trẻ, trường mầm non tư thục. Bởi lẽ con tôi (năm tuổi) đã có hai năm ở nhà trẻ tư và may mắn là cháu được chăm sóc rất tốt, tốt hơn cả trường mầm non công mà cháu đang theo học lúc này. Song cách quản lý của chính quyền trong lĩnh vực giáo dục dường như lúc quá siết, lúc quá mở, gây ra nhiều bất ổn.

Có một dạo chính quyền quyết định đóng cửa tất cả các trường tư, bất chấp các trường công có đủ khả năng tiếp nhận và quản lý tốt các học sinh hay không. Sau đó, thực hiện chủ trương “xã hội hóa”, chính quyền đã tạo nhiều thuận lợi cho các trường tư hoạt động. Đương nhiên là phải cố gắng thực hiện các tiêu chuẩn, định mức quy định nhưng ở nhiều nơi, nhiều lúc các trường tư đã bị “thả nổi”, muốn làm theo kiểu nào cũng được. Trong nhiều trường hợp, chính quyền và các cơ quan quản lý thuộc ngành giáo dục ở địa phương đã buông lỏng quản lý, mặc cho các trường và phụ huynh tự xoay xở với nhau. Viện lẽ thiếu nhân sự, thiếu tài chính, thiếu phòng ốc..., nhiều trường cứ chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng.

Tính mạng con người là vô giá, thiệt hại một mạng người không thể lấy gì bù đắp, thay thế được! Thôi thì cẩn thận, phòng ngừa trước vẫn hơn. Mong rằng chính quyền sẽ thường xuyên kiểm tra, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các nhà trường vi phạm, giúp các em bé vốn chưa biết tự bảo vệ mình tránh được những sự cố tương tự.

nguyenthunguyet... @gmail.com

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm