Lắt léo quanh tờ khai sinh

Theo quy định, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Quan hệ cha mẹ, con của bất kỳ ai cũng đều được xác định căn cứ vào giấy khai sinh của người đó. Song thực tế vẫn có nhiều trường hợp “ghi vậy chứ không phải vậy”.

Mẹ ruột trở thành mẹ nuôi

Năm 2008, bà M. (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) sinh con nhưng không có chồng. Ngại tiếng thị phi, bà nhờ người em trai và bạn gái của anh này đứng tên đăng ký khai sinh là cha mẹ của đứa bé. Đầu năm 2010, hai người này mới làm thủ tục cho đứa bé làm con nuôi bà M.

Để đâu đó rõ ràng, cuối năm 2010, bà M. ra phường làm thủ tục nhận đứa bé D. là con ruột. Tuy nhiên, UBND phường đã từ chối giải quyết bởi lẽ chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xác định con cho cha mẹ và ngược lại.

Vừa rồi, nữ tu sĩ P. (đường số 8, khu phố 5, phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM) có đến UBND phường Tam Phú để đăng ký khai sinh quá hạn cho một đứa trẻ nhưng bà lại khăng khăng trẻ này “không phải do tôi sinh ra”.

Lắt léo quanh tờ khai sinh ảnh 1

Theo lời trình bày của bà P., năm 2007, có một phụ nữ do lỡ lầm có thai ngoài ý muốn đã bỏ trốn khỏi nhà và đến tịnh thất của bà để tá túc. Bấy giờ, bà P. đã cho cô gái mượn CMND để khám thai và làm thủ tục nhập viện sinh con. Khi cấp giấy chứng sinh cho cô gái, BV đã ghi tên bà P. là mẹ đẻ của bé.

UBND phường đã xác minh tại BV Thủ Đức (nơi đứa bé được sinh ra) nhưng do thời gian đã lâu và hồ sơ bệnh án cũng không lưu hình ảnh hay CMND để đối chiếu nên phường không có cơ sở xác định thực hư.

Những người sống trong tịnh xá xác nhận sau khi sinh con, người mẹ đã bỏ con lại cho bà P. nuôi dưỡng từ đó đến nay. Do em bé không phải là con đẻ của bà P. nên phường không có cơ sở để cấp giấy khai sinh ghi tên bà P. là mẹ.

Cuối cùng, phường làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé theo diện trẻ em bị bỏ rơi. Nếu bà P. muốn nhận bé làm con nuôi thì phường sẽ giải quyết.

Tranh chấp phát sinh

Nếu hai trường hợp trên có vẻ bình yên thì hai trường hợp sau đây lại đầy “sóng gió”. Đó là trường hợp của bà V. (huyện Bình Đại, Bến Tre) đang tranh chấp quyền làm mẹ với người vợ hợp pháp của “chồng cũ”. Số là ông này và bà V. có thời gian chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Bốn năm sau, “chồng cũ” cưới vợ thì cũng là lúc bà V. đang mang thai. Sau khi sinh một bé gái, bà V. giao con cho vợ chồng người “chồng cũ” nuôi dưỡng và bà bỏ đi làm ăn xa. Vợ chồng họ đã đăng ký khai sinh cho bé và cùng đứng tên là cha mẹ của bé.

Nay bà V. trở về yêu cầu UBND xã công nhận bà mới thực sự là mẹ ruột của bé nhưng xã đã từ chối vì không có thẩm quyền giải quyết. Bà V. được hướng dẫn khởi kiện ra tòa để được giải quyết tranh chấp về cha, mẹ con.

Trường hợp của bà A. éo le hơn ở chỗ “đối thủ” của bà chính là mẹ ruột của bà (tức bà ngoại của đứa bé). Năm 1998, vì những lý do riêng của người lớn mà khi sinh ra, đứa bé được ông bà ngoại nhận làm… con đẻ. Nay để “lá rụng về cội”, cha mẹ A. và A. thỏa thuận A. mới là mẹ ruột của bé và A. có trách nhiệm nuôi dưỡng bé. Mới đây, TAND TP.HCM đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc A. nhận con. Nhiều ý kiến đánh giá quyết định này của tòa đã làm quan hệ giữa các thành viên trong gia đình A. bị đảo lộn khi đứa bé phải gọi người từng là cha mẹ là… ông bà ngoại.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM:

Không nên đứng tên giùm trên giấy khai sinh

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch), người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu) và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Như vậy, những người là cha mẹ thật sự của đứa trẻ mới nên đăng ký khai sinh nhận trẻ là con mình. Những người khác không nên đứng tên khai sinh giùm vì dễ làm trẻ bị ảnh hưởng: bị tranh chấp về cha, mẹ, con, quan hệ nhân thân bị xáo trộn, vướng mắc về thừa kế…

Trường hợp có tranh chấp về việc xác nhận cha mẹ, con, Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Người không được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”. Cạnh đó, khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định: “Tranh chấp về xác định cha mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ” thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Như vậy, chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải quyết việc xác nhận cha mẹ, con.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm