Thời gian gần đây, có nhiều người là nạn nhân của nạn gạ tình mạnh dạn tố cáo. Gạ tình, hay nói đầy đủ hơn là quấy rối tình dục (QRTD).
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH (ảnh). “Một trong những hành vi bị nghiêm cấm được nêu tại khoản 2 Điều 8 BLLĐ năm 2012 là “QRTD tại nơi làm việc”. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới giải quyết vấn đề này” - ông Bốn cho hay.
Được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
. Phóng viên: Hiện nay hành vi QRTD tại nơi làm việc được xử lý như thế nào, thưa ông?
+ Ông Hà Đình Bốn: Trước hết, hành vi QRTD bị pháp luật nghiêm cấm, tùy theo tính chất và mức độ để xử lý.
Các hành vi vi phạm pháp luật hành chính (Điều 5 Nghị định 167/2013, bị xử phạt 100.000-300.000 đồng - PV) có thể hiểu là những cử chỉ, lời nói khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trái ý muốn của người đó, tức đối phương không đồng thuận. Còn nặng hơn, ở mức vi phạm pháp luật hình sự được hiểu là cưỡng dâm, hiếp dâm…
Hiện nay, trong các cơ quan, nếu QRTD người khác sẽ bị đánh giá thi đua, kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ, nặng có thể bị đuổi việc. Bên cạnh đó, Điều 37 BLLĐ ghi rõ: Người lao động (NLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu như bị QRTD.
Đang lấy ý kiến người dân
. Hành vi QRTD được đưa vào luật nhưng không có định nghĩa rõ ràng cũng như mới nêu lên những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của NLĐ mà chưa có chế tài xử phạt cũng như trách nhiệm bồi thường. Sắp tới Bộ LĐ-TB&XH đang sửa đổi, bổ sung BLLĐ, vậy có quy định rõ ràng hơn không?
+ Việc này chúng tôi đang nghiên cứu và lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng rất khó, nếu quy định được chúng ta đã làm rồi. Hiện nay cả thế giới cũng không quy định rõ được hành vi này. Tất nhiên, chúng ta có thể hiểu QRTD là hành vi gạ gẫm, trêu chọc, động chạm đến thân thể… mà bị đối phương từ chối.
. Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam mới ban hành thời gian qua có phải là văn bản pháp lý và từ lúc ban hành đến nay hiệu quả như thế nào, thưa ông?
+ Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc không phải là văn bản pháp lý mà chỉ mang tính chất khuyến nghị các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng vào trong nội quy của đơn vị mình.
Những hành vi quấy rối chưa đến mức phải điều chỉnh bằng pháp luật hành chính, hình sự nhưng lại gây tác hại cho môi trường làm việc, cản trở sản xuất, gây khó chịu cho NLĐ vẫn đang diễn ra hằng ngày và cần có sự điều chỉnh. Vì vậy, bộ quy tắc ra đời được coi là văn bản hướng dẫn cách hành xử giữa NLĐ với nhau, giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động.
Từ lúc ban hành bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc (năm 2015), chúng tôi chưa đánh giá lại toàn diện nên chưa kết luận được hiệu quả ở mức độ nào. Tuy nhiên, bộ quy tắc đã được nhiều cơ quan, đơn vị lấy để áp dụng. Như vậy có thể khẳng định được mức độ lan tỏa rất lớn.
. Xin cám ơn ông.
Các kiểu quấy rối Theo bộ quy tắc ứng xử QRTD tại nơi làm việc thì QRTD được thể hiện bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm… QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa như những truyện cười gợi ý về tình dục, yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục… QRTD không bằng hành vi, phi lời nói gồm các hành động không mong muốn như ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phơi bày tài liệu khiêu dâm… Nơi làm việc được hiểu là những địa điểm, những hoạt động liên quan đến công việc. “Em sửa xong chưa để chị còn tắm?” Theo một chuyên gia xã hội, vì ngượng ngùng và lo ngại mất việc làm nên rất nhiều nạn nhân đã giữ im lặng. “Một số nạn nhân được khuyến khích đã cố gắng đứng ra tố cáo nhưng không rõ làm thế nào để khiếu nại vì theo pháp luật hiện hành rất khó để tranh cãi tại tòa án quyền cụ thể nào đã bị vi phạm... Hầu hết nạn nhân là nữ nhưng cũng có trường hợp nạn nhân là nam giới. Một nam thanh niên từng chia sẻ tại buổi thảo luận nhóm với chúng tôi rằng có một lần bà chủ nói với cậu là “Nhà chị có bình nóng lạnh bị hỏng, mà chị thì rất sợ gọi thợ vào nhà, nhòm ngó rồi có gì trộm vặt, em có thể đến sửa giúp chị được không?”. Cậu rất hồn nhiên đồng ý. Lúc cậu đang sửa trong nhà tắm thì bà sếp bắt đầu tháo bỏ đồ ra lấy khăn tắm quấn quanh người và đi vào rồi nói “Thế em sửa xong chưa để chị còn tắm?”. Cậu nhìn thấy thế hoảng quá và bỏ ra về, hôm sau đến chi nhánh cậu viết đơn xin nghỉ việc luôn. Đó là một trong những hành vi QRTD” - vị chuyên gia này cho biết. |