Muôn hình vạn trạng yêu râu xanh công sở

Vấn đề quấy rối tình dục nơi công sở đã được nói đến từ rất lâu và càng trở nên nóng hơn trong những ngày qua. Có thể nói vấn nạn này tồn tại ở hầu hết công sở dưới nhiều dạng thức khác nhau. Đối tượng quấy rối có cả nam và nữ, thông thường đều có vị trí, quyền lực cao hơn người bị quấy rối nên đã lợi dụng quyền hạn, sức ảnh hưởng của mình để trêu chọc, “kiếm lợi”, thỏa mãn thú vui của bản thân.

Tuy nhiên, kiểu quấy rối ở công sở cũng biến hóa khôn lường và đôi khi không phải chỉ là tấn công trực diện, thô thiển, lộ rõ bộ mặt mới là yêu râu xanh. Để nhận diện những hành vi quấy rối cần một sự nhạy cảm nhất định ở mỗi người và cách xử lý phải khôn khéo để tránh thiệt hại cho bản thân.

Quấy rối tình dục là gì?

Quấy rối tình dục là việc sử dụng các hành vi hoặc lời nói có liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam hoặc nữ giới.

Quấy rối có thể là bằng lời nói nhưng đôi khi không cần nói ra. Những kẻ quấy rối tình dục còn có thể sử dụng công nghệ để quấy rối người khác như gửi tin nhắn, hình ảnh, clip… Từ việc quấy rối tinh thần có thể đẩy tới quấy rối thể xác như khi cố tình đụng chạm, hôn, thậm chí là xâm hại.

Các biểu hiện bề mặt:

Người đang có ý định quấy rối người khác thường có các biểu hiện cụ thể như:

Cố ý đứng, ngồi, đi sát bên đối tượng.

Có những cử chỉ, va chạm xác thịt kiểu cố tình, thậm chí là ở những vùng cơ thể nhạy cảm.

Luôn tìm cách nói đùa về những chuyện nhạy cảm, chọc ghẹo về những bộ phận nhạy cảm, thường mượn chuyện của người khác để dò ý đối phương.

Hỏi han, điều tra quá đà về đời sống tình cảm riêng tư của đối phương.

Cố ý tạo ra những tình huống để gặp riêng đối phương ở cơ quan.

Tìm cách rủ rê tham gia những hoạt động ngoài cơ quan, có khả năng về trễ và chỉ có hai người đi riêng.

Rủ rê đối phương xem phim nóng, tranh sách báo có nội dung khiêu gợi.

Kiểu quấy rối “cao cấp”

Những kẻ quấy rối “cao tay” sẽ không tấn công đơn phương để thỏa mãn cá nhân mà còn chuốc lấy nguy cơ bị tố cáo. Họ chuộng kiểu gieo rắc cho đối phương cảm giác ngộ nhận, cảm thông, tưởng rằng sếp, đồng nghiệp của mình đang có nỗi khổ khó nói, cần được chia sẻ ví dụ gia đình không hạnh phúc, áp lực công việc quá nhiều... và "chỉ có với em anh mới nói được" là câu cửa miệng của các yêu râu xanh này.

Từ đây, khơi gợi trong lòng đối phương một chút tình cảm, tò mò, cảm giác mình đặc biệt hơn người khác trong mắt sếp. Tiếp theo là chiêu trò chuyện, nhắn tin, hẹn gặp ở ngoài rồi dẫn đến những hành vi vượt trên mức đồng nghiệp thông thường lúc nào không hay. Khi ấy, nếu có hành động gì quá trớn, chính bị hại có thể cho rằng vì “tình cảm” hoặc vì “một chút chia sẻ”.

Đôi khi bạn tưởng rằng mình đang chia sẻ với sếp.

Trong mối quan hệ đó, tuy lợi ích vẫn thuộc về kẻ “giăng bẫy” nhưng bị hại đã tự buộc cho mình cái tiếng tự nguyện, há miệng mắc quai. Và tất nhiên, cái bẫy đó cùng lúc được giăng ra cho nhiều cô gái trong công ty chứ không riêng gì một ai.

Tự vệ trước kẻ quấy rối

Nếu biết mình đã bị rơi vào tầm ngắm của kẻ quấy rối thì cách tốt nhất là tránh tối đa tình huống ở gần người đó, tránh tuyệt đối việc ở riêng hai người trong một phòng, thang máy, cầu thang… Nếu thấy có nguy cơ, phải lập tức rời khỏi không gian đó ngay.

Hãy tỏ thái độ rõ ràng.

Ăn mặc kín đáo, lịch sự nơi công sở để không gợi sự tò mò của các đồng nghiệp khác giới. Khi nhận ra dấu hiệu ve vãn, quấy rối dù chỉ bằng lời nói hay một cái khoác vai, hãy tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết ngay từ đầu.

Từ chối mọi lời mời ngoài công việc, không nên cả nể, sợ mất lòng hay sợ bị trả đũa. Từ chối khéo léo, hợp lý sẽ không khiến đối phương tức giận và cũng cho họ thấy thái độ khước từ của mình.

Khẳng định mình bằng hiệu quả công việc để sếp này có “đì” thì còn sếp khác nhận ra năng lực của bạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm