Sửa luật để cứu “các Huỳnh Văn Nam”

Nhiều ý kiến được đưa ra nhằm tìm hướng tháo gỡ để không còn xảy ra các vụ án “oan” tương tự. Gần đây có ý kiến đề nghị Quốc hội can thiệp bằng cách ra nghị quyết yêu cầu Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Tiếp đó, cũng có ý kiến cho rằng căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp, Quốc hội có quyền bãi bỏ quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Hai ý kiến này không thuyết phục vì quyết định của Hội đồng thẩm phán trong vụ việc này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vả lại, Quốc hội không nên can thiệp không cần thiết vào hoạt động xét xử, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử.

Việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán phải là vấn đề của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) chứ không phải là vấn đề của hiến pháp. Theo tôi, để giải quyết vướng mắc nêu trên, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS 2003 ở những điểm sau đây:

1. Sửa đổi Điều 275 Bộ luật TTHS 2003 theo hướng thừa nhận quyền kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán nếu quyết định đó có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Điều quan trọng là kháng nghị đó phải có căn cứ, phải thuyết phục được đa số thành viên của Hội đồng thẩm phán về sự cần thiết phải hủy bản án và các quyết định đã có hiệu lực của vụ án để điều tra, xét xử lại.

2. Sửa đổi Điều 279 Bộ luật TTHS 2003 để Hội đồng thẩm phán có nghĩa vụ xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án cấp dưới và quyết định của chính mình khi có các kháng nghị có lợi cho người bị kết án. Kháng nghị có lợi cho người bị kết án có thể tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Những sửa đổi này là cần thiết và sẽ càng nhấn mạnh thêm tính nhân văn trong hoạt động tố tụng hình sự của nước ta.

MỘT BẠN ĐỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm