Thi hành án... sai luật!

Trong hai vụ việc sau đây, cơ quan thi hành án lúc rất mạnh tay, lúc lại... chùn tay. Do thiếu căn cứ pháp lý nên việc làm hoặc không làm của họ đều “chông chênh”, gây thiệt hại đến người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Mẹ mắc nợ, con bị kê biên nhà

Bà Lê Thị Hiền là chủ sử dụng hợp pháp hơn 3.000 m2 đất ở phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 2002, bà Hiền đã “bán” 176 m2 trong lô đất trên với giá 42 lượng vàng. Theo thỏa thuận, khi bên mua giao đủ vàng, bà Hiền sẽ giao đất. Bất ngờ, trong thời gian hai bên làm thủ tục tách thửa, sang tên, UBND tỉnh Đồng Nai công bố quy hoạch mở đường đi qua phần đất mà bà Hiền định “bán”...

Năm 2004, tòa án cấp phúc thẩm đã xử hủy hợp đồng sang nhượng đất nêu trên, đồng thời buộc bà Hiền hoàn lại cho bên mua số vàng đã nhận. Để có thể thi hành án, bà Hiền đề nghị cơ quan thi hành án kê biên toàn bộ lô đất của bà hoặc bên mua phải giao lại “giấy đỏ” để bà tìm cách bán hết lô đất. Tuy nhiên, Thi hành án dân sự TP Biên Hòa và người mua đều không chấp thuận các đề nghị này.

Ngày 8-11-2007, Thi hành án dân sự TP Biên Hòa tiến hành kê biên căn nhà mà ông Lê Anh Thông (con bà Hiền) đang ở để cưỡng chế bà Hiền thi hành án. Theo văn bản tặng, cho nhà của người mẹ và các đồng thừa kế khác (được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Đồng Nai chứng nhận ngày 7-11-2006), căn nhà số 8, khu phố 2, TP Biên Hòa nói trên đã thuộc sở hữu của ông Thông chứ không còn là của bà Hiền (và các đồng thừa kế khác). Bản thân ông Thông lại không có nghĩa vụ thi hành án. Lại nữa, ông cũng đã thế chấp căn nhà này để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngoài diện tích đất “mắc kẹt” quy hoạch trên, mẹ ông Thông còn có một lô đất khác trị giá hàng tỷ đồng, thừa khả năng để thi hành án. Cho rằng Thi hành án dân sự TP Biên Hòa kê biên sai địa chỉ, ông Thông đã khiếu nại...

Tại quyết định giải quyết khiếu nại của ông Thông, lãnh đạo Thi hành án dân sự TP Biên Hòa cho rằng: Chấp hành viên làm đúng luật khi vận dụng Điều 42 Pháp lệnh Thi hành án dân sự để thi hành án (!)

Theo chúng tôi, cơ quan thi hành án được quyền kê biên những tài sản không nằm trong danh mục các tài sản không được kê biên theo luật định. Nhưng Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự đã quy định: “Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng tài sản đó là của người phải thi hành án, kể cả quyền sử dụng đất hoặc tài sản đang do người thứ ba giữ, trừ các trường hợp quy định”. Khi căn nhà mà ông Sơn đang ở thuộc sở hữu của ông và không có căn cứ nào cho thấy đó là tài sản của người mẹ, Thi hành án dân sự TP Biên Hòa không có quyền kê biên căn nhà đó.

Đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 20-9-2007, khi xét xử sơ thẩm bị cáo Đào Hùng S. phạm trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND TP.HCM đã xử phạt S. 12 năm tù, đồng thời buộc S. phải trả cho bà Phan Hoàng Lan Anh 20 ngàn USD. Ngay sau đó, bị cáo S chỉ đơn thuần kháng cáo phần hình phạt.

Ngày 8-11, bà Lan Anh đã nộp đơn xin được thi hành án mà cụ thể là xin nhận lại 20 ngàn USD. Trước yêu cầu này, Thi hành án dân sự TP.HCM đâm ra lúng túng vì trong bản án sơ thẩm chỉ đóng dấu “kháng cáo” ở phần hình phạt nên họ không rõ những phần khác đã có hiệu lực hay chưa. Để chắc chắn, cơ quan này yêu cầu bà Lan Anh đến TAND TP.HCM xin xác nhận những phần của bản án đã có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã từ chối xác nhận, viện lẽ “Tòa đã làm xong bổn phận của mình, việc đóng dấu vào phần không bị kháng cáo trước giờ tòa chưa từng làm”. Tòa này đề nghị cơ quan thi hành án “cứ căn cứ vào bản án mà thi hành”.

Đến thời điểm này, phần bồi thường dân sự của bản án nêu trên đã hết thời hiệu kháng cáo và kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Song Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn cứ dùng dằng, không chịu thi hành án cho bà Lan Anh.

Theo Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự, những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành. Như vậy, phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị đương nhiên có hiệu lực và phải được thi hành án.

Việc Thi hành án dân sự TP.HCM chậm trễ thi hành án đối với số tiền 20 ngàn USD của bà Lan Anh xem ra chưa ổn thỏa, cần được khẩn trương xem xét lại.

TR.DUNG-TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm