Xử nghiêm tài xế hất cảnh sát lên capô

Quá bất nhẫn!

Về lý, không một công dân nào có quyền cãi lệnh CSGT khi họ đang đại diện cho nhà nước thi hành pháp luật về giao thông. Về tình, việc các tài xế tiếp tục rồ ga tông thẳng khiến viên cảnh sát bị hất tung lên nóc capô quá bất nhẫn, không chấp nhận được. Hành vi này thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật của một số cá nhân, phải được xử lý nghiêm.

Được biết, trong ba năm gần đây, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tài xế hất cảnh sát lên nóc capô. Nhiều vụ đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự. Nhưng có vẻ như việc xử lý của các cơ quan thẩm quyền chưa nghiêm khiến các quái xế chưa sợ và tiếp tục vi phạm.

Xem phim nước ngoài, tôi thấy cảnh sát rất thân thiện nhưng cũng rất có uy với dân. Gần như các yêu cầu của CSGT đều được người dân chấp hành ngay, rồi sau đó khiếu nại sau (nếu cần). Để điều này được thực hiện ở nước mình, tôi đề nghị các tòa phải áp dụng thêm hình phạt bổ sung đối với những bị cáo là các tài xế táo tợn như trên: Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (cấm lái xe ôtô từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù).

LÊ PHÚ (Quận 4)

Ứng xử kém dễ đánh mất thương hiệu

Vài năm trở lại đây, tình trạng tài xế taxi hất CSGT lên capô rồi kéo lê trên đường vẫn cứ diễn ra và tạo ra hình ảnh rất phản cảm. Khi bàn luận vấn đề này,  nhiều người cho rằng có thể tinh thần của tài xế lúc đó bị hỗn loạn, kinh nghiệm xử lý tình huống còn non kém, sợ bị công ty đuổi việc… Nhưng dù gì đi nữa thì hành vi vi phạm nói trên đều không thể chấp nhận được. Bởi văn hóa ứng xử của các tài xế đó quá kém, xem tính mạng CSGT quá rẻ rúng. Đó là chưa nói đến việc tài xế taxi cố tình chạy thoát với tốc độ cao trên đoạn đường dài có thể gây ra tai nạn cho người khác nếu lỡ tông phải nhiều người dân đi đường…

Xử nghiêm tài xế hất cảnh sát lên capô ảnh 1

Một CSGT bị tài xế taxi lao thẳng vào tại ngã tư Láng Hạ-Láng năm 2007. Ảnh: NOZA

Qua đây, tôi muốn lưu ý các hãng taxi lớn có uy tín cần phải tuyển nhân viên thật kỹ, đồng thời phải đào tạo về nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức. Có như vậy những tình trạng như trên sẽ không còn tái diễn nữa.

LÊ VĂN HÙNG (Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Lỗ hổng đạo đức nghề nghiệp

Gần đây mỗi khi ra đường tôi thường bị ám ảnh và đôi lần là nạn nhân của sự ẩu tả của cánh tài xế taxi và xe tải. Đang điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ nhưng những người này thản nhiên vượt đèn đỏ, chạy tốc độ cao trong khu đông người, chở đất đá không che chắn… Dù chạy xe khá cẩn thận nhưng tháng vừa qua, tôi đã bị sứt đầu mẻ trán khi hai lần bị ôtô bất ngờ tông vào đuôi xe. Cách hành xử sau khi gây sự cố của tài xế cũng thật đáng trách, hoặc họ tìm cách bỏ chạy hoặc họ dừng lại kiếm cớ cãi vã, gây sự chứ ít khi tìm cách khắc phục có tình có lý.

Nhiều tài xế đã viện dẫn đủ mọi lý do để bào chữa cho hành vi của mình: Nhấn nhầm chân ga thay vì đạp thắng, hoảng quá nên mới bỏ chạy, mới vào nghề nên còn non kinh nghiệm… Các thông tin này có thể đúng, sai tùy trường hợp nhưng theo tôi đằng sau nó là thực trạng coi thường luật pháp; đạo đức và văn hóa giao thông của một bộ phận không nhỏ những người ngồi sau vô lăng đang bị suy mòn.

Trong các chương trình đào tạo lái xe hiện nay, dường như người ta chỉ dạy các tài xế cách đọc biển báo, cách điều khiển xe chứ không chú trọng đến đạo đức cùng cách hành xử văn hóa. Các công ty khi tuyển tài xế cũng chỉ cần biết anh này có bằng dấu nào và trang bị bộ cánh lịch lãm khi đi làm là đủ. Ít đơn vị nào chịu bỏ thời gian để tìm hiểu tính cách và tâm lý của tài xế. Theo lời khai của tài xế bị bắt trong vụ tông xe vào cảnh sát mới đây ở Hà Nội, anh này mới được nhận vào và lái xe được bốn ngày nên mới gây nên sự việc. Điều đó đồng nghĩa tài xế sau khi được nhận vào, có tiền thế chân là được giao xe chứ chưa được phía công ty tổ chức huấn luyện bài bản và trau dồi đạo đức cùng văn hóa giao thông.

Rõ ràng, việc đào tạo và trau dồi văn hóa, đạo đức cho tài xế luôn cần thiết và cần được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn nữa. Với việc có thể gây nguy hiểm cho nhiều người (trong đó có CSGT), những người này phải có cả tay nghề và đạo đức chứ không chỉ là những thợ lái, chỉ biết rẽ trái, rẽ phải.

CAO MINH ĐIỀN (Chuyên viên văn hóa-xã hội UBND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm