“Chúng tôi có các báo cáo về diễn tiến sự việc này, và đang nghiên cứu một cách thận trọng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói. “Với những sự kiện căng thẳng gần đây ở biển Đông, quyết định của Trung Quốc về giàn khoan là khiêu khích, không có thiện chí trong duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Bà Psaki cho rằng sự việc này càng khẳng định sự cần thiết rằng các bên tranh chấp cần tự đánh giá xem yêu cầu, việc làm của mình có phù hợp với luật pháp quốc tế không và cần phải đạt thỏa thuận cho các hoạt động trong khu vực tranh chấp.
Đây là quan điểm tiếp theo từ phía Mỹ về sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu quân sự, vào khu vực các đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Trước đó nửa ngày, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Washington đang xem xét vấn đề.
"Chúng tôi tin rằng điều thực sự quan trọng là mỗi bên tuyên bố chủ quyền cẩn trọng và kiềm chế", ông Russel phát biểu trong chuyến thăm Hong Kong, trước khi tới Hà Nội vào hôm nay, 7-5. "Nền kinh tế toàn cầu đã quá mong manh và sự ổn định khu vực là rất quan trọng, không thể chịu rủi ro vì lợi ích kinh tế ngắn hạn", ông Russel nói thêm.
Dự kiến, trong chuyến làm việc hai ngày tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel sẽ tiếp xúc với các quan chức cao cấp của Việt Nam, và tham gia Đối thoại châu Á-Thái Bình Dương Mỹ - Việt. Chủ đề căng thẳng Biển Đông được cho sẽ nằm trên nghị trình cuộc đối thoại.
MINH MINH