Đó là nhận xét của GS Keith Johnson, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Berkely, Đại học California - Mỹ. GS Johnson vừa có bài bình luận về việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới Biển Đông trên tạp chíChính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ ngày 5-5.
Dưới đây, chúng tôi xin trích bài viết của GS Keith Johnson:
“Việc triển khai giàn khoan tỉ USD của Trung Quốc cho thấy một thông điệp rõ ràng nước này gửi đến Việt Nam: Chúng tôi sẽ khoan những nơi nào gây thiệt hại nhiều nhất.
Trung Quốc gây ra tình trạng leo thang căng thẳng nguy hiểm tiềm tàng trong việc tranh chấp Biển Đông sau việc triển khai Hải dương 981 (HD-981), giàn khoan trị giá hàng tỉ USD, vào cuối tuần qua để khai thác dầu khí trong vùng nước cả Bắc Kinh và Hà Nội cùng tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam đã cực lực phản đối động thái này vì cho rằng giàn khoan được đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của họ, khu vực 200 hải lý. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố khu vực này gần quần đảo Hoàng Sa và cho rằng việc đặt giàn khoan là hợp pháp vì nó hoạt động trong vùng biển thuộc về Bắc Kinh.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra đụng chạm trong việc tìm kiếm năng lượng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, nước cờ mới nhất của Trung Quốc tạo ra một vấn đề lớn bắt nguồn từ nhiều lý do.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng trong khu vực tranh chấp và gặp phải sự ngăn cản từ các quốc gia bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên các công ty dầu khí Trung Quốc chính thức đặt mỏ khoan tại vùng biển tranh chấp với các quốc gia khác...
Động thái của Bắc Kinh cũng tượng trưng cho một cái tát vào mặt Tổng thống Obama, người vừa trở về sau chuyến thăm châu Á nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines rằng Mỹ sẽ ngăn chặn các hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc. Sáu ngày say đó, Trung Quốc đã thực hiện bước đi khiêu khích nhất từ trước đến nay. Hiện phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Việc đặt giàn khoan dầu khí giúp Trung Quốc dần khẳng định quyền kiểm soát trong khu vực - các chuyên gia nhận định.
“Sẽ có thêm nhiều động thái như thế nữa. Đó là các bước tiến nhỏ không đủ dẫn đến xung đột giữa các nước nhưng sẽ dần dần thay đổi hiện trạng theo thời gian” - Mike McDevitt - đô đốc nghỉ hưu, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ - nhận định…".
Theo L. Thoa (NLĐO/Foreign Policy)