Tuyên bố của Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM (gọi tắt là Hội Biển TP HCM) nêu rõ ngày 2-5, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 29’58’’ vĩ Bắc, 111 độ 12’ 06” kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, kèm theo một lực lượng lớn các tàu bảo vệ.
Giàn khoan HD 918 của Trung Quốc trên biển Đông.
“Vùng biển này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này của phía Trung Quốc không được sự đồng ý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), vi phạm tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (COC) mà Trung Quốc là một bên đã ký kết”- tuyên bố nhấn mạnh.
Do đó, Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM cực lực phản đối hành động cố ý khiêu khích, áp đặt theo kiểu bá quyền nước lớn, gây nên sự bất ổn nghiêm trọng, đe dọa hòa bình ổn định, ảnh hưởng đến việc tự do hàng hải và làm ăn bình thường của nhân dân các nước có quyền lợi trên Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển thềm lục địa của Việt Nam. Chúng tôi cũng kêu gọi toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước đoàn kết chống lại các chính sách và hành động nước lớn ức hiếp nước nhỏ của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc thổ, vùng biển và vùng trời thiêng liêng của nước Việt Nam” - tuyên bố khẳng định.
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 5-5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã yêu cầu CNOOC đưa giàn khoan ra khỏi vùng lãnh thổ của Việt Nam.
Theo PVN, việc làm nói trên của CNOOC đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa 2 tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối hành động trên và đã có công hàm ngoại giao gửi phía Trung Quốc yêu cầu ngay lập tức đưa giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.