Mở hướng giải quyết tranh chấp trên biển Đông

Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu Luật Biển (ảnh), về ý nghĩa của việc này.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói: Trong những nội dung làm việc và ký kết giữa Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm vừa qua, điều được dư luận hết sức quan tâm là việc ký kết được Thỏa thuận về nguyên tắc xử lý và giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước. Theo tôi, bản thỏa thuận ấy nếu được thực hiện tốt sẽ có ý nghĩa tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Việc giải quyết tranh chấp tiến triển tốt sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa hai nước và trong khu vực.

Tạo thống nhất trong hành xử

. Thưa ông, những nội dung đạt được trong thỏa thuận giữa hai nước để xử lý và giải quyết vấn đề trên biển sẽ mở ra hướng tích cực gì hơn so với tình hình trước đây?

Mở hướng giải quyết tranh chấp trên biển Đông ảnh 1
+ Trong việc giải quyết tranh chấp về biển Đông, lâu nay các chỉ đạo giải quyết chỉ nằm trong phạm vi quốc gia mỗi bên. Nay lãnh đạo hai bên đã thống nhất được định hướng và nguyên tắc giải quyết chung. Điều này sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và hành xử của các cấp, các ngành và cũng là cơ sở để giải quyết vấn đề nếu có sự cố xảy ra. Đây là diễn biến mới có ý nghĩa.

Thứ hai, Thỏa thuận nêu rõ: Kiên trì thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác..., góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Như vậy Thỏa thuận đã chỉ ra phương thức giải quyết tranh chấp là đàm phán và hiệp thương hữu nghị nhằm mục tiêu biến biển Đông trở thành vùng biển hòa bình. Tôi nghĩ nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều không muốn có chiến tranh nên sẽ rất tán thành việc hai nước đàm phán, hiệp thương, tránh và ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, Thỏa thuận cũng đã xác định được cơ sở pháp lý cũng như những định hướng cho cách thức giải quyết tranh chấp trên biển Đông: “Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử,… Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Có thể nói đây là những điểm tựa cơ bản, là hướng đi phù hợp để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Thứ tư, Thỏa thuận cũng đã đề ra hướng giải quyết tạm thời, hợp lý trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài. Nghĩa là mặc dù lập trường, quan điểm của hai bên còn có khoảng cách nhưng không vì thế mà để sự việc diễn ra tự phát hoặc chờ đợi không làm gì cả. Việc có những giải pháp quá độ, tạm thời nhưng không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển… là rất cần thiết. Chẳng hạn như hai nước có thể cùng bàn với nhau việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển, các hợp tác nghiên cứu khoa học khác…

Mở hướng giải quyết tranh chấp trên biển Đông ảnh 2

Việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông tiến triển tốt sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các nước trong khu vực. Ảnh: HTN

Thúc đẩy ký kết COC

. Trong nguyên tắc xử lý và giải quyết vấn đề trên biển cũng như tuyên bố chung của hai nước đều có nêu “thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp…”. Theo ông, tham gia “hiệp thương” là những bên nào?

+ Dựa trên tinh thần của Thỏa thuận, tôi hiểu là hai bên chấp nhận cả hai phương thức song phương và đa phương trong giải quyết tranh chấp trên biển. Tức những vấn đề mang tính chất song phương thì giải quyết theo đàm phán song phương, còn yếu tố nào liên quan đến đa phương thì phải giải quyết bằng đàm phán đa phương.

. Vấn đề rất được quan tâm hiện nay là xúc tiến việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo ông, những thỏa thuận trên sẽ tác động gì thêm đến điều này?

+ Thỏa thuận đạt được sẽ góp phần thúc đẩy việc soạn thảo COC, phù hợp với việc mới đây (21-7), các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Bản quy tắc Hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Việc đồng ý tiếp tục thực hiện nguyên tắc và tinh thần của DOC có nghĩa là sẽ bắt tay soạn thảo và thông qua COC.

Điều cần quan tâm nhất là thỏa thuận về tính hiệu lực của COC, tức là các bên liên quan trao cho COC một hiệu lực như thế nào. Nếu COC có hiệu lực mang tính chất bắt buộc đối với các bên tham gia ký kết thì COC có tác dụng như một bộ luật điều chỉnh hành vi và là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên.

. Xin cảm ơn ông.

Cần đầu tư mạnh hơn

Công tác nghiên cứu các chứng lý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông hiện nay chưa được đầu tư đúng mức. Chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa cho các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm về tranh chấp quốc tế, đặc biệt là giải quyết tranh chấp về biển, đảo.

Hiện nay, ta không chỉ thiếu người mà còn thiếu cả những hình thức huy động, tập hợp đối tượng chất xám này. Sắp tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ kiến nghị Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo bồi dưỡng trong nước cũng như huy động trí tuệ của chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi sẽ vận động tạo nguồn kinh phí và tiến hành nhiều hoạt động để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm, tập hợp các chứng cứ pháp lý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

M.CƯỜNG - T.BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.