Nước đến cằm mới nhảy!

Vụ “khủng hoảng bản đồ” này hóa ra đã kéo dài từ lâu, như ông Trịnh Anh Cơ, Tổng Thư ký Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam, phát biểu: “Chúng tôi không ngạc nhiên với những thông tin mà báo chí nêu vừa qua, bởi chúng tôi đã biết và từng lên tiếng cảnh báo. Bây giờ, nếu rà soát bản đồ mà các nước trên thế giới xuất bản thì sẽ thấy nhiều bản đồ thể hiện không chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa…”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - tiếng nói chính thống nhất trong các cơ quan chính thống - đã có ý kiến phản đối cả NGS lẫn Google. Các nhà khoa học mà đại diện tập trung nhất là Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã lên tiếng. Chưa kể cộng đồng cư dân mạng (tức thuộc khối dân sự) cũng đã vào cuộc ồn ào, đòi NGS và Google phải sửa sai, bởi “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Ông Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ tịch VUSTA, cũng khẳng định: “Nếu họ cần bằng chứng thì ta sẽ cung cấp”.

Nhưng giả sử cả NGS lẫn Google đều hỏi lại: “Bằng chứng đâu, thưa các bạn Việt Nam?” thì “chương trình hành động” tiếp theo của chúng ta sẽ bao gồm những gì, nếu có chương trình? Điều này đến nay vẫn chưa có câu trả lời chi tiết, cụ thể.

“Sưu tầm bản đồ để khẳng định chủ quyền là việc rất đáng làm” như lời ông Trịnh Anh Cơ nói. Và không chỉ sưu tầm bản đồ, còn rất nhiều việc khác nữa: tập hợp tài liệu, khảo sát thực địa, nghiên cứu, công bố kết quả ở cả trong và ngoài nước. Tất cả đều cần một chiến lược dài hơi bắt đầu từ lâu. Tiếc là đến bây giờ khi nước đã dâng tới cằm ta mới có biểu hiện rục rịch chuẩn bị nhảy!

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm